Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 1107/QĐ-TTg năm 2006 phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1107/QĐ-TTg
Ngày ban hành 21/08/2006
Ngày có hiệu lực 17/09/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 1107/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

Mục tiêu phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 là hình thành hệ thống các khu công nghiệp chủ đạo có vai trò dẫn dắt sự phát triển công nghiệp quốc gia, đồng thời hình thành các khu công nghiệp có quy mô hợp lý để tạo điều kiện phát triển công nghiệp, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại những địa phương có tỷ trọng công nghiệp trong GDP thấp.

Đưa tỷ lệ đóng góp của các khu công nghiệp vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp từ trên 24% hiện nay lên khoảng 39 – 40% vào năm 2010 và tới trên 60% vào giai đoạn tiếp theo. Tăng tỷ lệ xuất khẩu hàng công nghiệp của các khu công nghiệp từ 19,2% giá trị xuất khẩu toàn quốc hiện nay lên khoảng 40% vào năm 2010 và cao hơn vào các giai đoạn tiếp theo.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Giai đoạn đến năm 2010:

+ Phấn đấu đến năm 2010 về cơ bản lấy đầy các khu công nghiệp đã được thành lập; thành lập mới một cách có chọn lọc các khu công nghiệp với diện tích tăng thêm khoảng 15.000 ha – 20.000 ha, nâng tổng diện tích các khu công nghiệp đến năm 2010 lên khoảng 45.000 ha – 50.000 ha.

+ Đầu tư đồng bộ, hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp hiện có, đặc biệt là các công trình xử lý nước thải và đảm bảo diện tích trồng cây xanh trong các khu công nghiệp theo quy hoạch xây dựng được duyệt nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Giai đoạn đến năm 2015:

+ Đầu tư đồng bộ để hoàn thiện các khu công nghiệp hiện có, thành lập mới một cách có chọn lọc các khu công nghiệp với tổng diện tích tăng thêm khoảng 20.000 ha – 25.000 ha; nâng tổng diện tích các khu công nghiệp đến năm 2015 khoảng 65.000 ha – 70.000 ha. Phấn đấu đạt tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp bình quân trên toàn quốc khoảng trên 60%.

+ Có các biện pháp, chính sách chuyển đổi cơ cấu các ngành công nghiệp trong các khu công nghiệp đã và đang xây dựng theo hướng hiện đại hóa phù hợp với tính chất và đặc thù của các địa bàn lãnh thổ.

+ Xây dựng các công trình xử lý rác thải công nghiệp tập trung quy mô lớn ở những khu vực tập trung các khu công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm.

+ Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, phấn đấu thu hút thêm khoảng 6.500 – 6.800 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 36 – 39 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư thực hiện khoảng 50%.

- Giai đoạn đến năm 2020:

+ Quản lý tốt và có quy hoạch sử dụng hợp lý diện tích đất dự trữ cho xây dựng khu công nghiệp.

+ Hoàn thiện về cơ bản mạng lưới khu công nghiệp trên toàn lãnh thổ với tổng diện tích các khu công nghiệp đạt khoảng 80.000 ha vào năm 2020.

+ Quản lý, chuyển đổi cơ cấu đầu tư phát triển các khu công nghiệp đã được thành lập theo hướng đồng bộ hóa.

2. Việc hình thành các khu công nghiệp trên các địa bàn lãnh thổ phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chí sau:

- Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và tình hình phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương.

- Có các điều kiện thuận lợi hoặc có khả năng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, triển khai đồng bộ và kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội phục vụ công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

- Có quỹ đất dự trữ để phát triển và có điều kiện liên kết thành cụm các khu công nghiệp; riêng đối với các địa phương thuần túy đất nông nghiệp, khi phát triển các khu công nghiệp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế cần tiến hành phân kỳ đầu tư chặt chẽ nhằm đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả.

- Có khả năng thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

[...]