Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 11/2006/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 11/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/05/2006
Ngày có hiệu lực 10/06/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Vũ Thị Bích Việt
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 11/2006/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 31 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2006 – 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 373/TTr-LĐTBXH ngày 30 tháng 5 năm 2006 về việc phê duyệt Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (có Chương trình kèm theo).

Điều 2. Giao trách nhiệm Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tư pháp, Tài nguyên - Môi trường; Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em; Ban Dân tộc và Tôn giáo; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh; Cục Thống kê tỉnh; các cơ quan, ban, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo 2006 - 2010 theo quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo đạt được các mục tiêu về giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Thị Bích Việt

 

CHƯƠNG TRÌNH

GIẢM NGHÈO TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(Kèm theo Quyết định số 11/2006/QĐ-UBND ngày 31/5/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Phần thứ nhất

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2001 - 2005 VÀ THỰC TRẠNG NGHÈO

I. Một số kết quả đạt được trong công tác xoá đói giảm nghèo giai đoạn 2001 - 2005

Trong những năm qua, công tác xoá đói giảm nghèo được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, sự điều hành cụ thể của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, có hiệu quả giữa các cấp chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân nên đã đạt được những kết quả tốt; đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo (theo Quyết định số 1143/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 01/11/2000 của Bộ trưởng- Bộ lao động Thương binh và Xã hội) đã giảm từ 12,5% năm 2001 xuống còn 2,5% cuối năm 2005, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XIII.

Chương trình xoá đói giảm nghèo của tỉnh trong thời gian qua có sự đồng thuận cao giữa cấp uỷ, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân, nên đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia xoá đói giảm nghèo; làm chuyển biến một bước nhận thức của chính bản thân hộ nghèo tự cố gắng vươn lên thoát nghèo. Sự tham gia của cộng đồng, sự nỗ lực của các hộ nghèo đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu của Chương trình. Nổi bật là Chương trình làm nhà cho hộ nghèo, Tuyên Quang là một trong ba tỉnh đầu tiên trong toàn quốc được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công nhận hoàn thành chương trình xoá nhà dột nát cho hộ nghèo.

II. Khó khăn, tồn tại và thực trạng hộ nghèo hiện nay

1. Khó khăn, tồn tại

Nền kinh tế của tỉnh chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp, các ngành kinh tế khác như dịch vụ, thương mại, công nghiệp chưa phát triển, hiệu quả kinh tế còn thấp, chưa hình thành được các khu công nghiệp tập trung, do vậy chưa thu hút, tạo việc làm tại chỗ cho lao động của tỉnh.

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhưng một số nơi tình trạng thoát nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven sông suối hay bị ảnh hưởng bởi thiên tai lụt bão, mất mùa.

Nguồn lực huy động cho Chương trình còn hạn chế, chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Nhận thức của một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bằng lòng với cuộc sống hiện tại, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo.

2. Thực trạng và nguyên nhân nghèo hiện nay

Qua điều tra xác định hộ nghèo năm 2005 theo chuẩn mới quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ, số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh là 55.447 hộ, chiếm 35,64% tổng số hộ toàn tỉnh. Hộ nghèo chủ yếu ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (71,15% số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số). Huyện Na Hang có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với 49,61%; một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như xã Phúc Yên 94,58%, xã Xuân Lập 86,54% (Na Hang); xã Hùng Lợi 85,26%, xã Trung Minh 85,03% (Yên Sơn); xã Hồng Quang (Chiêm Hóa) 84,35%. Toàn tỉnh có 55 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%; số hộ nghèo thuộc diện chính sách thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công là 409 hộ, chiếm 0,74% số hộ nghèo.

[...]