Quyết định 852/2007/QĐ-UBND Chương trình giảm nghèo của tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 852/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/04/2007
Ngày có hiệu lực 12/04/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Ngô Hòa
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 852/2007/QĐ-UBND

Huế, ngày 02 tháng 4 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO CỦA TỈNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Ban điều hành Chương trình giảm nghèo tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ LĐ-TB&XH;
-Cục KT VB QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- VP: LĐ và CVXH, TH;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa

 

CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO

TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 852/2007/QĐ-UBND ngày 02/04/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2001-2005.

Chương trình xóa đói giảm nghèo là một chương trình tổng hợp được vận hành theo cơ chế liên ngành, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của UBND các cấp, chương trình sớm đi vào cuộc sống. Có thể nói, chương trình xóa đói giảm nghèo chủ yếu thực hiện ở mức độ xóa đói (trước năm 2000); đây là vấn đề khó khăn nhưng tương đối đơn giản hơn việc thực hiện giảm nghèo, bởi vì xóa đói trước tiên giải quyết vấn đề cơ bản là lo ăn, còn giảm nghèo, không những bao hàm cả lo ăn mà còn là vấn đề nhà ở, học hành, chăm sóc sức khỏe, các phương tiện sinh hoạt, hạ tầng cơ sở như: điện, đường, trường học, trạm y tế, nước sạch, môi trường sinh sống và cả thủy lợi nhỏ phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình ...

Do đó muốn giảm nghèo phải có sự nỗ lực của toàn xã hội, của tất cả các ngành, các cấp. Đây là vấn đề hết sức quan trọng và phải kiên trì thực hiện liên tục và lâu dài. Chính vì vậy, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2001- 2005 (gọi tắt là chương trình 143), tỉnh đã kịp thời điều chỉnh chương trình của tỉnh phù hợp với nội dung chương trình quốc gia gồm 7 dự án, 8 chính sách và 6 giải pháp cụ thể và được cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, tổ chức xã hội quan tâm coi công tác xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị chủ yếu của mình.

A. NHỮNG KẾT QUẢ:

I/ Chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình ở các cấp:

1/ Chỉ đạo và triển khai ở cấp tỉnh:

Trong giai đoạn 2001- 2005 chương trình xóa đói giảm nghèo đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng các Nghị quyết (Nghị quyết Đại hội Đại biểu tỉnh đảng bộ, Nghị quyết HĐND tỉnh khóa IV và Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; đặc biệt là Nghị quyết về nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, Quyết định phê duyệt Đề án xóa nhà tạm cho hộ nghèo, chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và chương trình hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, đầm phá....)

Các sở, ban, ngành đã triển khai thực hiện những chính sách dự án xóa đói giảm nghèo theo chức năng và nhiệm vụ của ngành. Tuy nhiên sự phối hợp trong công tác tổ chức thực hiện thiếu kịp thời, chưa có sự kết dính chặt chẽ trong quá trình thực hiện các chính sách, dự án của chương trình theo mối liên kết ngang (giữa các cơ quan quản lý thực hiện dự án, chính sách) và mối liên kết dọc (giữa tỉnh, huyện và xã) vì thiếu cơ chế điều hành và thẩm quyền cần thiết của cơ quan Thường trực Ban điều hành chương trình; việc thông tin, báo cáo chưa thành nền nếp. Một số hoạt động còn mang tính phong trào, bề nổi, chưa đi vào chiều sâu, thiếu bền vững của chương trình, hiệu quả mang lại chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Việc ban hành và thực hiện một số chính sách còn mang tính bao cấp, đã tạo tâm lý ỷ lại của một bộ phận dân cư.

2/ Triển khai thực hiện ở cấp huyện, thành phố:

Các huyện, thành phố đã củng cố, kiện toàn Ban Điều hành chương trình và hoạt động có hiệu quả. Mục tiêu xóa đói giảm nghèo đã được đưa vào các Nghị quyết của cấp ủy Đảng, HĐND và UBND có chương trình hoạt động hàng năm để chỉ đạo thực hiện, đặc biệt có một số huyện có Nghị quyết chuyên đề về tập trung giải quyết các xã nghèo, xã trọng điểm, nhờ đó mà tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể và đời sống nhân dân từng bước có tăng lên rõ rệt; có huyện đã bố trí cán bộ chuyên trách cấp huyện và một số xã như huyện Phong Điền.

Tuy nhiên, việc lồng ghép nguồn lực của các chương trình kinh tế xã hội với mục tiêu xóa đói giảm nghèo chưa được thực hiện tốt, chưa quan tâm ưu tiên đưa đối tượng nghèo vào nội dung các chương trình. Việc huy động nguồn lực tại chỗ chưa tương xứng với khả năng hiện có của địa phương, chủ yếu trông chờ vào nguồn ngân sách của Nhà nước. Việc phối hợp giữa các phòng, ban cấp huyện, thành phố chưa đồng bộ, chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác xóa đói giảm nghèo nên triển khai thực hiện chưa đồng bộ; Việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm hàng năm có một số huyện không kịp thời.

3/ Triển khai thực hiện ở cấp xã/phường/thị trấn:

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ