Quyết định 1074/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 1074/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/11/2021
Ngày có hiệu lực 19/11/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Y Ngọc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1074/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 19 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐẦU TƯ BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Đề án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025, với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm

Huy động, sử dụng hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nguồn lực nhằm bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố cấu thành và tái hiện các đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa. Xác định nguyên tắc và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; lập danh mục các di tích cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, phục hồi.

Xây dựng lộ trình đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Kon Tum phù hợp với điều kiện thực tế trong từng giai đoạn, gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Đầu tư bài bản trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển một cách đồng bộ và nguồn lực thực thi phù hợp; đồng thời giáo dục truyền thống, quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người địa phương, thu hút đông đảo du khách tham quan, nghiên cứu, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong các tầng lớp Nhân dân.

2. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện Đề án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Kon Tum nhằm hướng đến việc xây dựng các di tích trở thành các điểm du lịch văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xuống cấp của hệ thống di tích và nguy cơ mất giá trị nguyên gốc của di sản văn hóa vật thể. Quan tâm đầu tư các di tích có giá trị tiềm năng, nhất là các di tích lịch sử, thắng cảnh gắn với du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan, nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

3. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025

- Lập dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi để phát huy giá trị di tích, thu hút khách tham quan, du lịch của tỉnh đạt 2,5 triệu lượt người vào năm 2025(1).

- Đầu tư tôn tạo các hạng mục công trình cho 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 04 di tích cấp quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và huy động xã hội hóa (có danh sách di tích kèm theo).

4. Phạm vi, thời gian và đối tượng của Đề án

a) Phạm vi thực hiện: Thực hiện công tác đầu tư bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

b) Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 đến năm 2025.

c) Đối tượng của Đề án: Các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp tỉnh; cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt.

5. Nhiệm vụ và giải pháp

a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của cơ quan quản lý nhà nước với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong việc đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích.

b) Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Luật Di sản văn hóa, Nghị định, Thông tư và các văn bản liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

c) Khuyến khích sử dụng những phương tiện, kỹ thuật truyền thống để thực hiện tu bổ, chống xuống cấp di tích nhằm giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc, bản sắc, đặc trưng riêng của từng di tích. Mục đích cao nhất của việc đầu tư tu bổ di tích là bảo vệ và nâng tầm các giá trị nổi bật của di tích.

d) Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư bảo quản, tu bổ di tích. Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để bố trí nguồn vốn đầu tư các di tích, nhất là những di tích trọng điểm có giá trị đặc biệt cần có sự đầu tư lớn. Ngân sách tỉnh và huyện đảm bảo cân đối, phân bổ hằng năm theo tỷ lệ chi ngân sách hợp lý trong tổng chi ngân sách địa phương cho công tác đầu tư bảo quản, tu bổ di tích. Thực hiện tốt phương châm xã hội hóa để huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội và các tổ chức, cá nhân, góp phần vào việc đầu tư và bảo vệ di tích.

đ) Kiện toàn bộ máy làm công tác quản lý di tích từ tỉnh đến cơ sở. Chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Thường xuyên mở các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở về lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

[...]