Nghị quyết 36/NQ-HĐND năm 2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương tỉnh Kon Tum

Số hiệu 36/NQ-HĐND
Ngày ban hành 22/10/2021
Ngày có hiệu lực 21/10/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Dương Văn Trang
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/NQ-HĐND

Kon Tum, ngày 22 tháng 10 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025 NGUỒN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TỈNH KON TUM

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA XII KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

Căn cứ Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025;

Xét Tờ trình số 177/TTr-UBND ngày 08 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương tỉnh Kon Tum; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XII; Báo cáo số 315/BC-UBND ngày 17 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương tỉnh Kon Tum

1. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương tỉnh Kon Tum là 9.600.280 triệu đồng, trong đó: phân bổ chi tiết để thực hiện các dự án, nhiệm vụ là 8.674.280 triệu đồng và dự phòng để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn là 926.000 triệu đồng (Chi tiết tại Biểu số 01 kèm theo).

2. Danh mục và mức vốn bố trí chi tiết cho từng dự án, nhiệm vụ (Chi tiết tại Biểu số 02, 03 và 04 kèm theo).

3. Đối với vốn hỗ trợ cho vùng kinh tế động lực giai đoạn 2021-2025: Trước mắt phân bổ 75.000 triệu đồng cho thành phố Kon Tum (trong đó ưu tiên đầu tư công trình Đường vào Trụ sở làm việc các cơ quan thành phố Kon Tum) và 75.000 triệu đồng cho huyện Kon Plông để triển khai thực hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, phân bổ số vốn còn lại sau khi Đề án phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

4. Đối với phần vốn dự phòng chưa phân bổ chỉ được sử dụng sau khi bảo đảm cân đối được nguồn vốn và bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thật sự cần thiết, cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 2. Giải pháp triển khai thực hiện

- Tăng cường tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, giao dự toán, giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai, bảo đảm hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh. Kiểm soát chặt chẽ số dự án và thời gian bố trí vốn hoàn thành dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, bảo đảm mục tiêu, hiệu quả, tính liên tục trong đầu tư công. Tập trung rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.

- Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công định kỳ hoặc đột xuất theo chế độ báo cáo quy định. Theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án. Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, thực hiện dự án. Chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn để thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư. Các chủ đầu tư phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án.

- Thực hiện đúng thứ tự ưu tiên đã được quy định trong Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 63/2020/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh và các văn bản pháp luật có liên quan. Căn cứ khả năng cân đối vốn hằng năm, ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp; chỉ bố trí vốn cho các dự án khởi công mới sau khi đã bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp đã quá thời hạn bố trí vốn theo quy định nhằm hoàn thành sớm các dự án này, phát huy hiệu quả đầu tư, giảm tối đa thời gian bố trí vốn của dự án.

- Đối với các nguồn vốn do ngân sách cấp tỉnh phân cấp và hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thành phố: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và phân bổ kế hoạch vốn đảm bảo theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và mục tiêu của từng nguồn vốn theo quy định; phải bố trí đủ phần vốn còn thiếu từ nguồn ngân sách cấp mình và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ. Trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án so với tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư trung hạn, địa phương phải tự cân đối vốn để hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

- Kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm việc ứng trước kế hoạch vốn phải phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Khoản dự phòng chưa phân bổ chỉ được sử dụng cho các nhiệm vụ, dự án thật sự cần thiết, cấp bách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và được cấp có thẩm quyền cho phép.

- Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Kiên quyết không nghiệm thu công trình, các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật về đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

- Thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công; đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, giảm các khoản chi thường xuyên để tăng tỷ trọng cho chi đầu tư phát triển.

- Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng các hình thức đầu tư, tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Bố trí phần vốn ngân sách nhà nước và tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức đối tác công tư. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình, dự án cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nông thôn.

[...]