Quyết định 1072/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1072/QĐ-TTg
Ngày ban hành 05/07/2011
Ngày có hiệu lực 05/07/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1072/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGHỀ LUẬT SƯ ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020” kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức thực hiện Quyết định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Liên đoàn Luật sư Việt Nam;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, PL (5b)

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

CHIẾN LƯỢC

PHÁT TRIỂN NGHỀ LUẬT SƯ ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC

Sau 25 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Những kết quả đạt được từ việc thực hiện các chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật và công cuộc hội nhập quốc tế tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Đặc biệt, những kết quả đạt được trong lĩnh vực phát triển kinh tế, cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế trong các năm gần đây đã có những tác động tích cực đến việc phát triển nghề luật sư nước ra, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hoạt động luật sư ở nước ta trưởng thành nhanh chóng. Số lượng luật sư đã tăng lên đáng kể và đang có xu hướng ngày phát triển, đồng thời chất lượng hoạt động cũng từng bước được nâng cao.

Những thành tựu của công cuộc cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân là cơ sở quan trọng đối với việc phát triển nghề luật sư ở nước ra. Với những nội dung cải cách tư pháp đang được triển khai một cách tích cực cả về chiều rộng và chiều sâu, luật sư được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia thực chất hơn vào quá trình giải quyết các vụ án. Các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như đội ngũ luật sư đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện chức năng tố tụng theo nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa; vị trí, vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết vụ án ngày càng được tăng cường.

Quá trình hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc phải thực hiện các nghĩa vụ thành viên, các cam kết quốc tế khi là thành viên của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đặt các doanh nghiệp của Việt Nam, cơ quan nhà nước Việt Nam trước sức ép cạnh tranh gay gắt hơn không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay cả thị trường trong nước. Các quan hệ kinh tế, hoạt động thương mại ngày càng sống động, đa dạng và phức tạp hơn. Để chủ động vượt qua thách thức nói trên thì việc phát triển nguồn nhân lực trong nước là một yếu tố vô cùng quan trọng, trong đó có nhu cầu cấp bách về việc cần thiết có Chiến lược phát triển đội ngũ luật sư trước những yêu cầu và bối cảnh mới.

Việc xây dựng “Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020” là nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (sau đây gọi chung là Nghị quyết số 49-NQ/TW) và Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30 tháng 3 năm 2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu của xã hội, bảo đảm ngày càng có nhiều luật sư am hiểu pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, giỏi kỹ năng hành nghề luật sư, có trình độ ngang tầm với các luật sư trong khu vực và quốc tế.

1. Cơ sở chính trị, pháp lý

Ngày 02 tháng 6 năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Trong đó, đặt ra một trong những định hướng quan trọng đó là phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 22 tháng 02 năm 2006, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 05-KH/CCTP, trong đó đề ra việc xây dựng và hoàn thiện kế hoạch, chương trình của các ngành trong việc thực hiện Nghị quyết cho giai đoạn 2006 - 2010. Trên cơ sở đó, ngày 26 tháng 5 năm 2006, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động giai đoạn 2006 - 2010 của ngành tư pháp triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó đưa ra nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020.

Thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 ngày 22 tháng 6 năm 2006 đã thông qua Luật Luật sư, đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế về luật sư ở nước ta, góp phần nâng cao vị trí của luật sư và nghề luật sư trong sự nghiệp bảo vệ công lý, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Bên cạnh đó, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, ngày 05 tháng 02 năm 2007, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, trong đó tiếp tục nêu rõ một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước là đào tạo, bồi dưỡng để hình thành và phát triển được đội ngũ chuyên gia pháp luật và luật sư am hiểu luật pháp quốc tế, giỏi ngoại ngữ, có đủ khả năng tham gia tranh tụng quốc tế.

Ngày 30 tháng 3 năm 2009, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư, trong đó, nêu những chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao vị trí, vai trò của luật sư, bảo đảm cơ chế để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm, kiện toàn tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động luật sư, một lần nữa khẳng định chủ trương xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đó là, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm ngày càng có nhiều luật sư có trình độ ngang tầm với các luật sư trong khu vực và quốc tế.

2. Thực trạng tổ chức và hoạt động luật sư ở nước ta.

a) Những kết quả đạt được

Trong thời gian qua, đội ngũ luật sư nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề. Hiện nay, trong cả nước đã thành lập 62 Đoàn Luật sư/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 6.250 luật sư và hơn 3000 người tập sự hành nghề luật sư, hoạt động trong gần 2.750 tổ chức hành nghề luật sư, trong đó, có khoảng 10 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu về kinh doanh, thương mại đầu tư có yếu tố nước ngoài. Chất lượng của đội ngũ luật sư ở nước ra đang từng bước được nâng cao, bước đầu đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hóa; số lượng vụ việc, khách hàng của luật sư nhiều hơn, đa dạng hơn; phạm vi hoạt động hành nghề của luật sư ngày càng được mở rộng, tỷ lệ khách hàng ở nước ngoài có xu hướng tăng nhanh. Vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư từng bước được khẳng định, đánh dấu bằng sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào ngày 12 tháng 5 năm 2009. Hoạt động nghề nghiệp của luật sư thời gian qua không những đáp ứng nhu cầu giúp đỡ pháp lý ngày càng cao của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp, mà còn đóng góp tích cực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

[...]