Quyết định 105/QĐ-UBND năm 2013 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 40/NQ-CP do tỉnh Quảng Ngãi ban hành

Số hiệu 105/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/04/2013
Ngày có hiệu lực 22/04/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Cao Khoa
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 105/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 22 tháng 4 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 40/NQ-CP NGÀY 09/8/2012 CỦA CHÍNH PHỦ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Thông báo kết luận số 37-TB/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”;

Căn cứ Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 652/STC-TCHCSN ngày 02/4/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”, với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

Xác định, phân công và tổ chức thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chủ yếu của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, nhằm triển khai thực hiện tốt Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công trong thời gian tới với quyết tâm cao hơn, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện hơn, góp phần thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 đưa tỉnh ta cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh được nâng lên.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Nâng cao nhận thức về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công

a) Các cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục và vận động nhằm quán triệt sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức trong toàn xã hội, đặc biệt đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, các đơn vị sự nghiệp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước về các nội dung và tinh thần của việc đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.

b) Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh và Tỉnh ủy trong việc ban hành và triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị về chủ trương, kế hoạch và biện pháp cụ thể nhằm tạo chuyển biến về tư tưởng, nâng cao nhận thức của xã hội về sự cần thiết, tính cấp bách của việc đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ sự nghiệp công để hướng tới việc cung cấp tốt hơn dịch vụ cho nhân dân và bảo đảm cho các đối tượng chính sách xã hội và người nghèo trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ cơ bản thiết yếu với chất lượng cao hơn.

2. Hoàn thiện thể chế đảm bảo hoạt động đồng bộ các yếu tố thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công

a) Hoàn thiện thể chế về cơ cấu và phương thức đầu tư của ngân sách nhà nước:

- Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, tăng cường đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất các hoạt động sự nghiệp công cơ bản và thực hiện cơ cấu lại chi thường xuyên ngân sách nhà nước đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo hướng:

+ NSNN bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

+ Thay đổi cơ bản phương thức hỗ trợ từ NSNN trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, từng bước chuyển từ việc giao dự toán ngân sách cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập như hiện nay sang thực hiện phương thức đặt hàng, mua hàng dựa trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình dịch vụ đơn vị cung cấp mà không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập nhằm tạo cạnh tranh lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm cho các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập phát triển bình đẳng.

- Nhà nước bảo đảm thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người có công, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số để được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu với chất lượng ngày càng cao hơn; bảo đảm kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó) ở các cơ sở đào tạo không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập.

b) Hoàn thiện thể chế về cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập:

- Tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính (từng bước tính đủ giá dịch vụ và giảm cấp ngân sách) có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng, nhu cầu thị trường và trình độ quản lý.

- Thực hiện chính sách minh bạch hóa các hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập; khắc phục tình trạng công – tư lẫn lộn; đổi mới cơ chế phân phối theo hướng vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động vừa có tích lũy để tái đầu tư tăng cường cơ sở vật chất của đơn vị sự nghiệp công lập

- Thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hóa cao, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (trường đại học, bệnh viện và một số cơ sở dạy nghề từ sau năm 2015,…) theo hướng: Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, tài sản khi cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu của xã hội; được quyết định thu giá dịch vụ trên cơ sở khung giá tính đủ các chi phí hợp lý, đúng pháp luật do cấp có thẩm quyền ban hành; được Nhà nước giao vốn, xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp; được quyền quyết định việc huy động vốn, sử dụng vốn, tài sản gắn liền với nhiệm vụ được giao theo quy định để mở rộng việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, tự quyết định số người làm việc và trả lương trên cơ sở thang bảng lương của Nhà nước và hiệu quả, chất lượng công việc.

- Đối với các đơn vị sự nghiệp cung cấp những dịch vụ thông thường (nhất là các đơn vị sự nghiệp kinh tế): Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế nhằm tạo điều kiện để chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và sau đó cổ phần hóa theo quy định.

- Thực hiện thí điểm góp vốn cổ phần để thành lập mới đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập.

c) Hoàn thiện thể chế về cơ chế tự chủ về thực hiện nhiệm vụ và tổ chức bộ máy đối với sự nghiệp công lập:

[...]