Quyết định 105/2002/QĐ-UB về quản lý tổ chức và hoạt động khiêu vũ nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 105/2002/QĐ-UB |
Ngày ban hành | 24/09/2002 |
Ngày có hiệu lực | 09/10/2002 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Nguyễn Thành Tài |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 105/2002/QĐ-UB |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 09 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG KHIÊU VŨ NƠI CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 12 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng ;
Căn cứ Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh ;
Căn cứ Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài ở Việt Nam ;
Căn cứ Nghị định số 08/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ;
Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh ;
Căn cứ Quyết định số 32/1999/QĐ-BVHTT ngày 29 tháng 4 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin về ban hành Quy chế hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin ;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.- Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về quản lý tổ chức và hoạt động khiêu vũ nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin, Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch ủy ban nhân dân các quận-huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG KHIÊU VŨ NƠI CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 105 /2002/QĐ-UB ngày 24 tháng 9 năm 2002 của ủy ban nhân dân thành phố).
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.- Khiêu vũ là môn nghệ thuật được thể hiện bằng những điệu nhảy, có sự phối hợp các động tác của tay, chân và thân thể theo nhịp điệu âm nhạc được thể hiện bởi từng đôi nam, nữ hoặc tập thể nam, nữ nhằm mục đích giải trí, giao lưu tình cảm, nâng cao trình độ thẩm mỹ.
Điều 2.- Hoạt động khiêu vũ nơi công cộng là một trong các hình thức hoạt động văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, giao tiếp vui chơi giải trí, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.
Điều 3.- Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép hành nghề hoạt động khiêu vũ dựa trên cơ sở quy hoạch hoạt động khiêu vũ nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
Điều 4.- Quy định này được áp dụng cho các hình thức hoạt động khiêu vũ như sau :
1- Tổ chức hoạt động khiêu vũ có mục đích sinh lợi tại các vũ trường, có hoặc không có sử dụng vũ nữ để phục vụ khách.
2- Tổ chức hoạt động khiêu vũ có mục đích sinh lợi tại các nhà hát, câu lạc bộ, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, công viên văn hóa và các điểm sinh hoạt văn hóa công cộng khác.
3- Tổ chức hoạt động khiêu vũ mang tính nhất thời, không thu tiền để phục vụ cho phong trào văn hóa văn nghệ nội bộ tập thể cán bộ, công nhân viên các tổ chức, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp.
4- Việc tổ chức dạy khiêu vũ thực hiện theo quyết định số 23/2001/QĐ-BVHTT ngày 13 tháng 4 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin về ban hành Quy chế dạy khiêu vũ.
Điều 5.- Mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam ; tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam khi tổ chức hoạt động khiêu vũ trên địa bàn thành phố phải tuân thủ nghiêm chỉnh quy định này và các quy định của các văn bản pháp luật khác có liên quan, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Chương 2:
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6.- Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động khiêu vũ nơi công cộng.
1- Thủ trưởng cơ quan, đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người quản lý tại nơi hoạt động khiêu vũ phải quản lý chặt chẽ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động diễn ra tại nơi tổ chức hoạt động khiêu vũ, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định hiện hành của Nhà nước.
2- Tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn địa điểm để tổ chức hoạt động khiêu vũ nếu có hành vi dung túng, bao che hoặc không giám sát để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật ;
3- Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động khiêu vũ có quyền khiếu nại hoặc tố cáo đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những quyết định xử lý sai hoặc những hành vi sách nhiễu của người thừa hành công vụ thanh tra, kiểm tra các hoạt động khiêu vũ.
Điều 7.- Những quy định cấm đối với hoạt động khiêu vũ.
1- Kinh doanh hoạt động khiêu vũ không đúng nội dung ghi trong giấy phép hành nghề ; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ; giấy cam kết thực hiện các quy định, điều kiện về an ninh-trật tự.
2- Sử dụng các bài hát, bản nhạc, băng đĩa nhạc chưa được phép lưu hành hoặc cấm lưu hành.
3- Sử dụng các đoàn, nhóm nghệ thuật hoặc cá nhân nghệ sĩ là người nước ngoài biểu diễn tại nơi tổ chức khiêu vũ mà không có giấy phép của Sở Văn hóa và Thông tin.
4- Tiếp nhận khách dưới 18 tuổi vào nơi hoạt động khiêu vũ.
5- Hoạt động trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến 05 giờ sáng.
6- Âm lượng lọt ra ngoài phòng khiêu vũ vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn “Mức ồn tối đa cho phép” (tiêu chuẩn Việt Nam số 5949/1995).
Giới hạn tối đa cho phép tiếng ồn tại khu vực thương mại dịch vụ là :
- Từ 06 giờ đến 22 giờ : 70 decibel - (decibel là đơn vị đo âm lượng)
- Từ 22 giờ đến 24 giờ : 50 decibel.
7- ánh sáng trong phòng khiêu vũ dưới 10 lux (lux là đơn vị đo ánh sáng).
8- Tiếp nhận khách say rượu vào nơi hoạt động khiêu vũ, bán hoặc để cho khách uống rượu có nồng độ trên 30 độ cồn.
9- Quảng cáo, trưng bày những loại hàng hóa cấm quảng cáo, trang trí, lưu hành tranh ảnh, vật dụng mang tính bạo lực, kinh dị, khiêu dâm.
10- Không đảm bảo điều kiện về an ninh-trật tự, an toàn công cộng, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, địa điểm kinh doanh ở trong khu vực cấm theo quy định của pháp luật.
11- Tổ chức hoặc để xảy ra các hoạt động mang tính kích động cuồng loạn, các hành vi mang tính khiêu dâm, các hoạt động vũ hội hóa trang, biểu diễn thời trang.
12- Sử dụng người lao động dưới 18 tuổi.
13- Sử dụng vũ nữ phục vụ khách tại vũ trường mà không ký kết hợp đồng lao động, không quản lý hoạt động của vũ nữ theo hợp đồng, vũ nữ không mặc đồng phục, không đeo bảng tên có dán ảnh.
14- Sử dụng vũ nữ phục vụ khách tại các điểm hoạt động khiêu vũ thuộc các nhà hát, câu lạc bộ, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, công viên văn hóa và các điểm sinh hoạt văn hóa công cộng khác.
15- Sang nhượng, thuê, mượn hoặc cho thuê, cho mượn giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay đổi địa điểm tổ chức hoạt động khiêu vũ đã được ghi trong giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động khiêu vũ.
Điều 8.- Quy định đối với việc tổ chức hoạt động khiêu vũ phục vụ nội bộ.
1- Các tổ chức, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tổ chức hoạt động khiêu vũ mang tính nhất thời phục vụ nội bộ, không thu tiền thì không phải xin phép ;
2- Các tổ chức, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nêu ở khoản 1 của điều này phải thực hiện nghiêm chỉnh các khoản 1, 2 điều 6 và các khoản 2, 3, 5, 6, 7, 9, 11, 14 điều 7 của quy định này.
Điều 9.- Quy định về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh hoạt động khiêu vũ.
1- Tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động khiêu vũ phải thực hiện các thủ tục sau đây trước khi đi vào hoạt động :
1.1- Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề vũ trường do Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp ;
1.2- Có giấy phép hành nghề hoạt động khiêu vũ do Sở Văn hóa và Thông tin cấp ;
1.3- Lập giấy cam kết thực hiện các quy định, điều kiện về an ninh-trật tự nộp cho Công an thành phố.
2- Doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài chỉ cần đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoạt động kinh doanh theo quy định tại giấy phép đầu tư mà không cần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trước khi đi vào hoạt động, Doanh nghiệp phải làm thủ tục xin cấp giấy phép hành nghề hoạt động khiêu vũ và phải lập giấy cam kết thực hiện các quy định, điều kiện về an ninh-trật tự.
Điều 10.- Quy định về tạm ngừng hoạt động, gia hạn giấy phép hành nghề hoạt động khiêu vũ.
1- Doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh ngành nghề vũ trường mà không tiến hành hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động phải thực hiện nghiêm chỉnh theo điều 15, 16 Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.
2- Sở Văn hóa và Thông tin thu hồi giấy phép hành nghề hoạt động khiêu vũ đối với tổ chức, cá nhân tạm ngừng hoạt động khiêu vũ quá 06 tháng mà không có báo cáo lý do.
3- Thời hiệu giấy phép hành nghề hoạt động khiêu vũ là 02 (hai) năm. Tổ chức, cá nhân có chức năng hoạt động khiêu vũ phải tiến hành làm thủ tục gia hạn giấy phép hành nghề hoạt động khiêu vũ tại Sở Văn hóa và Thông tin trong thời gian 01 (một) tháng trước khi giấy phép hành nghề hết hạn sử dụng.
Điều 11.- Cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động khiêu vũ.
1- Sở Văn hóa và Thông tin là cơ quan chuyên môn giúp ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực hoạt động khiêu vũ trên địa bàn thành phố.
2- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Thương mại, Sở Du lịch, Cục Thuế thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực sau : kinh doanh, lao động, trật tự-an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng-chống các tệ nạn xã hội trong quá trình hoạt động của các điểm tổ chức hoạt động khiêu vũ ; đồng thời, phối hợp trao đổi với Sở Văn hóa và Thông tin về những quy định, biện pháp quản lý của ngành mình trong lĩnh vực hoạt động khiêu vũ.
3- ủy ban nhân dân các quận-huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động khiêu vũ trên địa bàn, phối hợp các ban ngành liên quan tổ chức kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động khiêu vũ trên địa bàn mình quản lý.
Chương 3:
THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 12.- Thanh tra chuyên ngành văn hóa thông tin, các sở-ngành nêu tại Điều 11 và ủy ban nhân dân quận-huyện có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động khiêu vũ ; xử lý nghiêm những vi phạm theo thẩm quyền.
Điều 13.- Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tại Việt Nam khi tổ chức thực hiện hoạt động khiêu vũ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vi phạm nội dung quy định này và quy định của các văn bản pháp luật khác có liên quan, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 14.- Tổ chức, cá nhân nào lợi dụng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn để thực hiện sai các quy định của pháp luật trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khiêu vũ nơi công cộng tại quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15.- Sở Văn hóa và Thông tin phối hợp với các sở-ngành liên quan, ủy ban nhân dân các quận-huyện tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định này; tham mưu trình ủy ban nhân dân thành phố về quy hoạch hoạt động khiêu vũ nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cho phù hợp với nhu cầu thực tế của nhân dân thành phố ; báo cáo kịp thời những vấn đề phát sinh trình ủy ban nhân dân thành phố xem xét, điều chỉnh, bổ sung quy định này./.