Quyết định 1049/QĐ-KTNN năm 2008 về đề án tăng cường năng lực đối với đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ của Kiểm toán Nhà nước do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành

Số hiệu 1049/QĐ-KTNN
Ngày ban hành 19/08/2008
Ngày có hiệu lực 19/08/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Kiểm toán Nhà nước
Người ký Vương Đình Huệ
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Bộ máy hành chính

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1049/QĐ-KTNN

Hà Nội, ngày 19 tháng 08 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ LÀM CÔNG TÁC TỔ CHỨC CÁN BỘ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Kiểm toán Nhà nước;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Tăng cường năng lực đối với đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ của Kiểm toán Nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Kiểm toán Nhà nước và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- BCS Đảng KTNN;
- Lãnh đạo KTNN;
- Đảng uỷ KTNN;
- BCH Công đoàn KTNN;
- BCH Đoàn TNCS HCM KTNN;
- Lưu: VT, TCCB (03).

Tổng kiểm toán Nhà nước




Vương Đình Huệ

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ LÀM CÔNG TÁC TỔ CHỨC CÁN BỘ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1049/QĐ-KTNN ngày 19 tháng 8 năm 2008 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong công cuộc đổi mới ở đất nước ta hiện nay, công tác tổ chức cán bộ luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý và điều hành của bộ máy lãnh đạo các cấp nhằm thực hiện có hiệu quả cao nhất các mục tiêu của tổ chức. Đối với Kiểm toán Nhà nước, trong những năm qua, công tác tổ chức cán bộ luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước. Công tác tổ chức cán bộ đã bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; công tác tổ chức cán bộ bước đầu đã có đổi mới cả về nội dung và phương pháp. Điều đó đã mang lại kết quả tích cực trên nhiều mặt, góp phần không nhỏ vào sự thành công chung của Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, công tác tổ chức cán bộ của Kiểm toán Nhà nước hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập, đó là: việc triển khai cụ thể hoá các quy định về công tác tổ chức cán bộ của Đảng và Nhà nước vào điều kiện cụ thể của ngành còn chậm, thiếu kịp thời; công tác tuyển dụng, đào tạo, sắp xếp, sử dụng, quy hoạch, điều động, luân chuyển, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ còn có nhiều hạn chế; chưa kịp thời phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng những cán bộ có đức, có tài; công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức còn yếu; cách giải quyết một số việc chưa thật sự đảm bảo tính khoa học, chưa sâu sát, không theo đúng quy trình…

Một trong những nguyên nhân về vấn đề này đó là, đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ của Kiểm toán Nhà nước còn có những hạn chế, có những mặt chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài.

Trên cơ sở đó, việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực đối với đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ của Kiểm toán Nhà nước” là yêu cầu cần thiết đối với Kiểm toán Nhà nước; là một trong những giải pháp để thực hiện Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước về “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kiểm toán viên trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay”.

II. THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ LÀM CÔNG TÁC TỔ CHỨC CÁN BỘ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

1. Hoạt động công tác tổ chức cán bộ và nhiệm vụ của đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ ở Kiểm toán Nhà nước

a. Hoạt động công tác tổ chức cán bộ ở Kiểm toán Nhà nước

Cơ cấu tổ chức hiện nay của Kiểm toán Nhà nước gồm 25 đơn vị trực thuộc, trong đó có: 06 đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành, 07 Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, 09 Kiểm toán Nhà nước khu vực và 03 đơn vị sự nghiệp. Việc phân công, phân cấp trong tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước được thiết kế phù hợp với mô hình quản lý tập trung, thống nhất theo chế độ thủ trưởng. Theo đó, đối với lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ, Tổng Kiểm toán Nhà nước là người thống nhất lãnh đạo và chỉ đạo công tác tổ chức cán bộ trong toàn ngành trên cơ sở phát huy trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị và bộ phận tham mưu, giúp việc về công tác tổ chức cán bộ. Cơ quan tham mưu trực tiếp và giúp việc cho Ban cán sự Đảng và Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ là Vụ Tổ chức cán bộ; các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước thực hiện công tác tổ chức cán bộ theo phân cấp của Kiểm toán Nhà nước.

Với cách thức tổ chức như vậy, nhiệm vụ công tác tổ chức cán bộ của toàn ngành được thực hiện thông qua chủ yếu bởi hai bộ phận cán bộ sau đây:

- Cán bộ chuyên trách về lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ ở Vụ Tổ chức cán bộ;

- Cán bộ làm công tác kiêm nhiệm về công tác tổ chức cán bộ ở các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước. Đối tượng này bao gồm: cán bộ lãnh đạo đơn vị được giao trực tiếp phụ trách công tác tổ chức cán bộ và cán bộ tham mưu, giúp việc lãnh đạo đơn vị về công tác tổ chức cán bộ.

Ngoài ra, công tác tổ chức cán bộ của Kiểm toán Nhà nước còn được thực hiện thông qua cán bộ ở các cấp uỷ đảng theo phân cấp quản lý cán bộ của Kiểm toán Nhà nước.

b. Nhiệm vụ của cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ

Theo các quy định phân cấp quản lý của Kiểm toán Nhà nước, mỗi bộ phận cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ có nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi giải quyết công việc là khác nhau, cụ thể như sau:

+ Cán bộ chuyên trách về lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ ở Vụ Tổ chức cán bộ, có trách nhiệm tham mưu, giúp lãnh đạo Vụ để lãnh đạo Vụ tham mưu, giúp Ban cán sự Đảng và Tổng Kiểm toán Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ sau:  

[...]