Quyết định 1044/QĐ-UBND năm 2020 về Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020-2025

Số hiệu 1044/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/07/2020
Ngày có hiệu lực 02/07/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Văn Bình
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1044/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 02 tháng 07 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN CƠ SỞ DỰA TRÊN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2020-2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công số 49/2014/QH 13 ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015;

Căn cứ Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 05/9/2016 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở;

Căn cứ Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin;

Căn cứ Quyết định số 238/QĐ-BTTTT ngày 21/02/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 1103/TTr-STTTT ngày 04/6/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020-2025".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông (báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 2;
- VPUB: LĐ, KTTH;
- Lưu: VT, NVT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Bình

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN CƠ SỞ DỰA TRÊN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2020-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 205/QĐ-UBND ngày 02/7/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

PHẦN MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Thông tin cơ sở là một kênh thông tin thiết yếu phục vụ người dân ở cơ sở, với đặc trưng khác biệt với thông tin trên báo chí là thông tin ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng thực hiện. Nội dung thông tin cơ sở bao gồm tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở; thông tin cảnh báo về phòng, chống tội phạm, dịch bệnh, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... trên địa bàn; phổ biến các kiến thức cần thiết về khoa học, kỹ thuật, công nghệ phục vụ đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân. Thông qua công tác thông tin cơ sở, cấp ủy, chính quyền cơ sở có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có những chủ trương, biện pháp giải quyết kịp thời, phù hợp với thực tiễn ở cơ sở, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.

Với những phương tiện đặc thù, thông tin cơ sở có tính gần gũi, mang tính thuyết phục cao vì được thực hiện bởi chính những người của địa phương, nói tiếng nói của địa phương, phạm vi nội dung thông tin được cung cấp hẹp hơn, chỉ bao gồm các thông tin thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống người dân sinh sống ở địa phương đó, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và điều kiện tiếp nhận thông tin của người dân địa phương.

Hoạt động thông tin cơ sở còn truyền tải một phần nội dung thông tin đại chúng phù hợp với mức độ tiếp nhận của từng cộng đồng dân cư. Thông tin cơ sở đến được với người dân trên các địa bàn khác nhau, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động thông tin cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như:

- Nội dung thông tin còn ít thiết thực, chưa được phổ cập rộng rãi tới đa số người dân; phương thức truyền thông chủ yếu vẫn theo cách làm truyền thống, chưa theo kịp và đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

- Cơ sở vật chất, kỹ thuật của hệ thống thông tin cơ sở chưa đồng bộ, lạc hậu, xuống cấp. Chưa ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào các hoạt động thông tin cơ sở.

- Cách thức truyền tải thông tin chủ yếu theo hướng áp đặt thông tin một chiều từ các cơ quan nhà nước xuống người dân; chưa có sự tiếp nhận và trả lời thông tin phản ánh của người dân.

[...]