Quyết định 10/2006/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chuyển đổi Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Quảng Bình thành Đoàn Nghệ thuật truyền thống

Số hiệu 10/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/03/2006
Ngày có hiệu lực 08/04/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Công Thuật
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2006/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 29 tháng 3 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI ĐOÀN NGHỆ THUẬT TỔNG HỢP QUẢNG BÌNH THÀNH ĐOÀN NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục - thể thao;

Căn cứ Quyết định số 61/2005/QĐ-BVHTT ngày 04 tháng 1 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển xã hội hoá hoạt động văn hoá đến năm 2010”;

Căn cứ Quyết định số 675/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đổi tên Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp thành Đoàn Nghệ thuật truyền thống;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Quảng Bình tại Tờ trình số 09/TTr-SVHTT ngày 01 tháng 3 năm 2006;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt "Đề án chuyển đổi Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Quảng Bình thành Đoàn Nghệ thuật truyền thống" kèm theo Quyết định này.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Trưởng Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Bình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Văn hoá - Thông tin;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Ban Thường vụ Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ban VH-XH HĐND tỉnh;
- Báo Quảng Bình, Đài PT-TH QB;
- Sở Tư pháp;
- Lưu VT, NC-VX.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Công Thuật

 

ĐỀ ÁN

CHUYỂN ĐỔI ĐOÀN NGHỆ THUẬT TỔNG HỢP QUẢNG BÌNH THÀNH ĐOÀN NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG
(Kèm theo Quyết định số 10/2006/QĐ-UBND ngày 29/3/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ:

1. Dân ca Quảng Bình - đặc trưng riêng của Nghệ thuật truyền thống một vùng quê - sự cần thiết phải bảo tồn và phát triển:

Quảng Bình là một vùng đất có vị trí đặc thù. Các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội nhân văn đã chứng minh vùng đất Quảng Bình có lịch sử rất lâu đời và là nơi tiềm chứa nhiều giá trị vật chất và văn hoá tinh thần độc đáo. Xét trên bình diện văn hoá, Quảng Bình là khu vực có sự đan xen hỗn dung văn hoá giữa các trung tâm văn hoá lớn của dân tộc như Văn hoá Việt Mường - Chămpa, Đông Sơn - Sa Huỳnh, Đàng Trong - Đàng Ngoài, Thăng Long - Phú Xuân,... Những yếu tố đan xen, hỗn dung nói trên làm cho sắc diện văn hoá Quảng Bình càng thêm phong phú và đậm tính bản sắc.

Cũng như ở các vùng quê khác, từ trong lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng, làng quê Quảng Bình là cái nôi sinh thành nền văn hoá truyền thống của quê hương; nơi đây không chỉ sản sinh ra những giá trị văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần mà còn là cái nôi hình thành và phát triển các trò diễn, diễn xướng dân gian, dân ca, dân vũ,... nhằm thoả mãn nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của cộng đồng dân cư.

Chỉ xét về loại hình dân ca, Quảng Bình đã rất phong phú với hàng chục điệu hò, điệu hát, hát ru,... không dễ gì nơi nào cũng có.

Phong phú nhất, trước hết phải kể đến là các điệu hò: vùng Minh Hoá, Tuyên Hoá có Hò thuốc, Hò kéo nôốc, Hò văn, Hò xay lúa, Hò la hò là...; Vùng Quảng Trạch đặc sắc với điệu hò Cảnh Dương, Hò hụi..; Bố Trạch có Hò bài chòi, Hò đưa linh, Hò kéo lưới, Hò đẩy thuyền...; Đồng Hới có Hò đưa linh chèo cạn, Hò lỉa gỗ, Hò kéo neo kéo buồm...; Lệ Thuỷ, Quảng Ninh có Hò bài chòi, Hò lỉa gỗ, Hò chèo cạn, trong đó đặc sắc với điệu Hò khoan Lệ Thuỷ (hò giã gạo) nổi tiếng với 9 mái, trong đó có 6 mái cơ bản là: mái chè, mái nện, mái xắp, mái ba, mái ruổi, mái nhì, mái nâu xăm...

Sau , là các điệu hát, với Hát nhà trò (ả đào), hát Kiều, Hát sắc bùa, Hát ví đúm, Hát bội, Hát đối, Hát ghẹo, Hát đồng dao, Hát ru... Đó là chưa nói đến ca dao, vè cũng khá phổ biến ở Quảng Bình.

Về múa dân gian cũng rất phong phú, mà điển hình là các điệu: Múa bông, Múa tứ linh, Múa bài đăng, Múa sư tử, Múa vòng...

Về nhạc cụ, ở Quảng Bình cơ bản có một số loại nhạc cụ truyền thống sau: đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn thập lục, sáo trúc (quyển), đàn bầu, đàn ống, khèn bè, trống bùm bùm, bộ gõ, kèn, pi, còi, kèn lá,...

Các loại hình dân ca, dân vũ trên đây đã trường tồn trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Quảng Bình và hiện nay đang có nguy cơ mai một dần trước sự lấn lướt của loại hình văn hoá - văn nghệ hiện đại, cần phải có sự bảo tồn và phát triển.

Mặt khác, do Quảng Bình có vị trí địa lý đặc thù, nên chịu ảnh hưởng giao thoa của nền văn hoá Đại Việt (ngoài vào) và Phú Xuân (trong ra), mà điển hình là các điệu dân ca Huế, Bình Trị Thiên, như các điệu ca: Nam ai, Nam bình, Nam xuân, Tứ đại cảnh, Cổ bản, Long ngâm, Đăng đàn cung, Lưu thuỷ hành vân, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ... hiện đang rất thịnh hành trong đời sống văn nghệ của nhân dân, cần được giữ gìn và phát triển.

[...]