Quyết định 111/2007/QĐ-UBND ban hành Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần 4 BCH TW Đảng khoá X về chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên WTO do UBND tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 111/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/09/2007
Ngày có hiệu lực 07/10/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Đình Chi
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số :111/2007/QĐ-UBND

Vinh, ngày 27 tháng 09 năm 2007

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO);
Căn cứ Kết luận số 13-KL/TU ngày 16 tháng 07 năm 2007 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh về Chương trình hành động của Tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO);
Xét
đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại tại công văn số 575/STM-XNK ngày 27 tháng 09 năm 2007,

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của UBND Tỉnh Nghệ An thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (có Chương trình hành động kèm theo).

Điều 2. Các Sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ nội dung giao tại Chương trình hành động, chủ động thực hiện, báo cáo kết quả về Sở Thương mại tổng hợp để báo cáo Tỉnh uỷ, HĐND và UBND Tỉnh Nghệ An.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở và Thủ trưởng các Ban Ngành cấp tỉnh liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, Thị xã Cửa lò chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Chi

 

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ TƯ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ X VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN ĐỂ NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA WTO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 111/2007/QĐ-UBND ngày 27 tháng 09 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN CỦA NGHỆ AN KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI

Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, mở ra một giai đoạn mới, nền kinh tế đất nước hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới; đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo ra những cơ hội lớn để đất nước phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển.

Trước tình hình mới, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ-TW ngày 05/02/2007 về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết trên, ở Nghệ An có những thuận lợi khó khăn nhất định, cụ thể là:

I. THUẬN LỢI:

1. Nghệ An là một tỉnh rộng, có nguồn lao động dồi dào; có đồng bằng, rừng, biển tạo nên nguồn hàng nông, lâm, hải sản xuất khẩu có giá trị; có một số khoáng sản có thể khai thác quy mô công nghiệp; bước đầu xây dựng được hệ thống giao thông thuận lợi, như: đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không, quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh chạy qua; có cảng biển, cửa khẩu quốc gia và quốc tế  … có điều kiện để phát triển giao lưu hàng hoá, du lịch, dịch vụ trong nước và với các nước bạn Lào, Thái Lan cũng như với các nước khác trên thế giới.

2. Thực hiện Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 26/12/2005, giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh 9 chương trình, đề án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và công tác xây dựng Đảng đang được các cấp, Sở, ngành, địa phương triển khai với mục đích phấn đấu đưa Nghệ An thoát khỏi tỉnh nghèo và kém phát triển vào năm 2010. Bên cạnh đó Nghệ An đang được Chính phủ quan tâm; nhiều đề án có ý nghĩa chiến lược đang được triển khai thực hiện.

3. Các doanh nghiệp của Nghệ An cú di?u ki?n để duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới với tư cách là một đối tác bình đẳng, không bị phân biệt đối xử và theo mức thuế các thành viên WTO cam kết. Đây là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ, tạo thêm việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh

4. Quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Nghệ An sẽ được đấu tranh bảo vệ một cách bình đẳng với các đối tác khác trong các cuộc tranh chấp thương mại (nếu có).

5. Nghệ An có cơ hội thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào những lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế nhưng chưa được khai thác đúng tầm, như: phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển các trung tâm thương mại, du lịch, trung tâm tài chính quy mô vùng; phát triển sản xuất và chế biến nông, lâm, hải sản xuất khẩu; sản phẩm gỗ, dệt may, giày da xuất khẩu, tài nguyên khoáng sản v.v…Trên cơ sở đó có thể tạo ra cơ hội việc làm cho nhiều lao động, góp phần giải quyết công ăn việc làm trên địa bàn tỉnh.

6. Khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới, người tiêu dùng trong nước, trong đó có hơn 3 triệu người tiêu dùng Nghệ An sẽ có thêm sự lựa chọn về hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao, giá cả phù hợp. Các doanh nghiệp Nghệ An có điều kiện tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào với giá cả hợp lý, với nền khoa học công nghệ tiên tiến, thương mại và dịch vụ văn minh, hiện đại.

II. KHÓ KHĂN

1. Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo, ở xa các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước; cơ sở hạ tầng kém phát triển, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tiềm năng của tỉnh không lớn, nhiều lợi thế so sánh chưa được khai thác đúng tầm; kinh tế hàng hoá chưa phát triển; ngân sách thu chưa đủ chi; thiếu kinh nghiệm vận hành nền kinh tế thị trường; các loại hình thị trường: hàng hoá và dịch vụ, tài chính và tiền tệ, khoa học và công nghệ, đất đai và bất động sản, thị trường lao động ... đang còn chậm phát triển.

2. Nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế, về kinh tế thị trường, về tư duy kinh tế của phần đa đội ngũ cán bộ công nhân viên chức, kể cả một số lãnh đạo cấp tỉnh, ngành, huyện, thành, thị xã, lãnh đạo doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đầy đủ, chưa theo kịp tình hình đổi mới của đất nước.

3. Cạnh tranh trên địa bàn Nghệ An cũng sẽ gay gắt hơn, với nhiều đối thủ hơn, trên bình diện rộng và sâu hơn ở cả 3 cấp độ: sản phẩm với sản phẩm, doanh nghiệp với doanh nghiệp và nhà nước với nhà nước.

Về sản phẩm, Nghệ An chưa có sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng và sản phẩm chủ lực trên thị trường trong nước và quốc tế; hàng hoá quy mô nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp. Đặc biệt, sản phẩm hàng hoá xuất khẩu Nghệ An hầu như không có, hoặc có nhưng chiếm tỷ lệ không đáng kể trong danh mục 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, như: sản phẩm dầu khí; dệt may; giày da; thuỷ sản; sản phẩm gỗ; hàng điện tử và máy tính; gạo tẻ; cao su; cà phê và than đá.

Theo lộ trình thực hiện cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, từ nay hàng hoá và dịch vụ Nghệ An phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu cùng loại ngay trên thị trường trong tỉnh, nhất là trong vòng 3 - 5 năm tới, khi thuế nhập khẩu giảm đáng kể theo lộ trình.

Về doanh nghiệp, Nghệ An chưa có doanh nghiệp đầu tàu với những sản phẩm chủ lực; đặc biệt trong những năm đầu gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, do sức cạnh tranh yếu, thể hiện: đa phần đều là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít; công nghệ lạc hậu; trình độ quản trị doanh nghiệp thấp, thiếu cán bộ quản lý năng động, có năng lực thực tiễn; nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề: thương hiệu hàng hoá và danh tiếng doanh nghiệp là tài sản vô giá của tỉnh cũng như của doanh nghiệp trong quá trình thâm nhập thị trường thế giới; đầu tư sản xuất chưa gắn với thị trường; hiệu suất đầu tư, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thấp.

Khi Việt Nam là thành viên của WTO, do phải mở cửa thị trường, thực hiện các cam kết quốc tế, nên các nhà máy, các cơ sở sản xuất hàng hoá trên địa bàn Nghệ An sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh khá gay gắt, rất dễ lâm vào tình trạng đình đốn, phá sản nếu không có sự chuẩn bị đầu tư , cải tiến tốt.

Về bộ máy hành chính nhà nước cấp tỉnh, cơ cấu bộ máy cồng kềnh; chức năng, thẩm quyền còn chồng chéo; tư duy kinh tế của đội ngũ cán bộ, công chức yếu; chất lượng tham mưu chưa cao, thiếu tầm chiến lược. Một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu kém về kiến thức quản lý hành chính, kỹ năng thực thi công vụ, năng lực thực tiễn, ngoại ngữ và tin học, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đặc biệt Nghệ An còn thiếu một đội ngũ luật sư giỏi, thông thạo luật pháp quốc tế và ngoại ngữ để tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại và tư vấn cho các doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh.

[...]