Quyết định 07/2008/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hành động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu 07/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/01/2008
Ngày có hiệu lực 07/02/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Trần Văn Minh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 07/2008/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 28 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM ĐẾN NĂM 2010 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;

Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 26 tháng 7 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm;

Căn cứ Quyết định số 43/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 149/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai một số biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (sau đây viết tắt là Kế hoạch) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng và nâng cao năng lực hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nhằm bảo đảm về VSATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2010

a) Nâng cao nhận thức, thực hành VSATTP và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm; phấn đấu đến năm 2010, 100% người quản lý, 90% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 80% người tiêu dùng hiểu biết và thực hành đúng về VSATTP;

b) Tăng cường năng lực hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, thanh tra chuyên ngành và kiểm nghiệm VSATTP của thành phố. Đến năm 2010, có 100% cán bộ chuyên trách VSATTP tại tuyến quận, huyện, phường, xã được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công tác VSATTP; triển khai và bổ sung đủ lực lượng thanh tra chuyên ngành VSATTP đảm bảo thực hiện thanh tra về VSATTP thường xuyên trên địa bàn thành phố; xây dựng hoàn chỉnh Phòng kiểm nghiệm VSATTP đảm bảo thực hiện được các kỹ thuật xét nghiệm phân tích cao trên lĩnh vực VSATTP;

c) Thiết lập hệ thống kiểm soát ô nhiễm thực phẩm đồng bộ từ sản xuất đến lưu thông, phân phối, chế biến, bảo quản, sử dụng trên cơ sở hoàn thiện và phát triển các nguồn thực phẩm an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi;

d) Đầu tư nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới cơ sở hạ tầng các siêu thị, chợ bảo đảm quy hoạch riêng biệt các khu kinh doanh thực phẩm tươi sống, ăn uống; bảo đảm vệ sinh môi trường; phấn đấu đến năm 2010, 100% siêu thị, 80% chợ kiên cố bảo đảm điều kiện chợ VSATTP;

đ) Quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm; phấn đấu đến năm 2010, 100% cơ sở kinh doanh chất phụ gia thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; người sản xuất, chế biến chỉ mua phụ gia thực phẩm được bày bán trong những cửa hàng riêng biệt hoặc cửa hàng thực phẩm được quản lý và có đầy đủ giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm phụ gia thực phẩm; có sổ sách theo dõi việc mua và sử dụng phụ gia thực phẩm;

e) Phấn đấu cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP cho 100% cơ sở sản xuất, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thức ăn đường phố có địa điểm cố định;

g) Từng bước áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP: Hazard Analysis and Critical Control Points) cho các nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn; phấn đấu đến năm 2010, 100% các cơ sở sản xuất thực phẩm nguy cơ cao quy mô công nghiệp áp dụng hệ thống HACCP;

h) Trên cơ sở thực hiện các mục tiêu, phấn đấu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể trên 30 người, không để xảy ra chết do ngộ độc thực phẩm.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông

a) Tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động truyền thông tại cộng đồng nhằm nâng cao ý thức người dân về VSATTP;

[...]