Quyết định 06/2013/QĐ-UBND về phân cấp thẩm quyền trong đấu thầu mua sắm tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Số hiệu | 06/2013/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 31/01/2013 |
Ngày có hiệu lực | 10/02/2013 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đắk Lắk |
Người ký | Y Dhăm Ênuôl |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2013/QĐ-UBND |
Đắk Lắk, ngày 31 tháng 01 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CẤP THẨM QUYỀN TRONG ĐẤU THẦU MUA SẮM TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hóa từ ngân sách Nhà nước theo phương thức tập trung;
Căn cứ Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính về việc quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;
Căn cứ Nghị quyết số 26/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của HĐND tỉnh về việc phân cấp thẩm quyền quản lý tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 18/TTr-STC ngày 09/01/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định về phân cấp thẩm quyền phê duyệt hồ sơ đấu thầu mua sắm của Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) khi mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ (không thuộc dự án đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị, phương tiện đặc thù chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh) nhằm duy trì hoạt động thường xuyên với các nội dung sau:
I. Thực hiện mua sắm tài sản riêng lẻ, bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước:
1. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm tài sản:
a) Chủ tịch UBND tỉnh: Quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm tài sản đối với gói thầu có giá trị từ 1.000 triệu đồng trở lên và mua sắm xe ô tô theo đề nghị của Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách;
b) Giao cho Thủ trưởng các Sở, ban, ngành: Quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm tài sản đối với gói thầu có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 1.000 triệu đồng (trừ mua sắm xe ô tô), trên cơ sở dự toán ngân sách đã được giao theo đề nghị của cơ quan sử dụng tài sản;
c) Giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện: Quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm tài sản thuộc ngân sách cấp huyện (trừ mua sắm xe ô tô) trên cơ sở dự toán ngân sách đã được giao theo đề nghị của Trưởng phòng Tài chính kế hoạch;
d) Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ tài chính quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm tài sản đối với gói thầu có giá trị dưới 500 triệu đồng (trừ mua sắm xe ô tô) theo kế hoạch, dự toán đã được phê duyệt từ nguồn Quỹ phát triển sự nghiệp và các nguồn vốn huy động, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật;
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị (hoặc thứ trưởng bộ phận, phòng, ban) được giao nhiệm vụ mua sắm tài sản có trách nhiệm lập kế hoạch đấu thầu theo đúng quy định tại Điều 8, 9 chương III Thông tư số 68/2012/TT-BTC, ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính, trình kế hoạch đấu thầu lên người có thẩm quyền nêu trên xem xét phê duyệt; gửi cơ quan, tổ chức, bộ phận thẩm định được quy định tại khoản 3, mục 1, điều 1 của Quyết định này.
2. Thẩm quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu:
a) Giao cho Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tài sản quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
b) Giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thuộc ngân sách cấp huyện;
3. Thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu:
a) Gói thầu thuộc ngân sách cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh và của Thủ trưởng các Sở, ban, ngành quyết định phê duyệt quy định tại điểm a, b, d, khoản 1, mục 1, điều 1 của Quyết định này; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tài sản lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ kết quả lựa chọn nhà thầu gửi Sở Tài chính thẩm định;
b) Gói thầu thuộc ngân sách cấp huyện do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định phê duyệt quy định tại điểm c, khoản 1, mục 1, điều 1 của Quyết định này; Phòng Tài chính kế hoạch thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định hồ sơ kết quả lựa chọn nhà thầu;
c) Đối với gói thầu mua sắm tài sản thuộc đề án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên có giá trị dưới 100 triệu đồng: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm lựa chọn hình thức mua sắm như sau:
- Trường hợp gói thầu có giá trị từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng: cơ quan, đơn vị mua sắm lấy báo giá của ít nhất ba nhà thầu khác nhau, làm cơ sở để lựa chọn nhà thầu tốt nhất, bảo đảm chất lượng, giá cả thấp và một số yêu cầu khác (thời hạn cung cấp hàng hóa, các yêu cầu về bảo hành, đào tạo, chuyển giao, không phân biệt nhà thầu trên cùng địa bàn hoặc khác địa bàn…);
- Trường hợp gói thầu có giá trị dưới 20 triệu đồng: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định việc mua sắm cho phù hợp, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình; việc mua sắm tài sản phải đảm bảo thủ tục, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
4. Đối với việc mua sắm tài sản thuộc đề án hoặc đã được bố trí mua sắm trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các cơ quan, đơn vị thì không phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật; riêng các gói thầu mua sắm tài sản đòi hỏi kỹ thuật cao hoặc phức tạp thì cơ quan, đơn vị đề nghị cơ quan chuyên ngành thẩm định tính năng kỹ thuật, cơ sở pháp lý …; cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định giá trị mua sắm của các cơ quan, đơn vị đảm bảo chất lượng; tiết kiệm trước khi triển khai, thực hiện mua sắm tài sản theo quy định.