Quyết định 04/2011/QĐ-UBND về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020” do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành

Số hiệu 04/2011/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/01/2011
Ngày có hiệu lực 20/01/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Lê Diễn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 04/2011/QĐ-UBND

Gia Nghĩa, ngày 10 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH ĐĂK NÔNG ĐẾN NĂM 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 161/2006/QĐ-TTg ngày 10/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đăk Nông đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1258/TTr-LĐTBXH ngày 03/12/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Đăk Nông đến năm 2020”.

Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án) chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo mục tiêu và các nội dung ghi trong Đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội; Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Đăk Nông đến năm 2020”; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Diễn

 

ĐỀ ÁN

ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH ĐĂK NÔNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2011/QĐ-UBND ngày 10/1/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông

Phần I

QUAN ĐIỂM CHỦ TRƯƠNG VỀ ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI CỦA TỈNH

I. Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về dạy nghề

1. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị, của người lao động và toàn xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhà nước tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với lao động nông thôn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

2. Trong dạy nghề nông thôn phải chú trọng, ưu tiên các đối tượng chính sách có công, đồng bào dân tộc ít người, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người tàn tật, người có trình độ văn hóa thấp, phụ nữ; người sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo, xã xây dựng nông thôn mới, lao động bị thu hồi đất canh tác để gắn dạy nghề với giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ phát triển ngành nghề, phát triển doanh nghiệp, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; đồng thời ưu tiên thu hút học sinh nông thôn tốt nghiệp phổ thông cơ sở, phổ thông trung học vào học trung cấp nghề, cao đẳng nghề để nâng chất lượng nguồn lực lao động nông nghiệp, nông thôn.

3. Học nghề là quyền lợi, nghĩa vụ của lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, chuyển đổi việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

4. Đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình; đáp ứng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, phù hợp về cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của từng địa phương nói riêng, của tỉnh nói chung; tạo cơ hội cho lao động nông thôn tham gia thị trường lao động kỹ thuật ở trong nước và ngoài nước.

5. Chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh, từng ngành và từng địa phương; vận động, khuyến khích tối đa các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn các huyện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, đời sống được nhà nước đầu tư trên địa bàn và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

II. Thực trạng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội và lao động động việc làm của tỉnh.

1. Về phát triển kinh tế - xã hội

Đăk Nông là một tỉnh vùng cao, nằm ở phía Tây Nam thuộc vùng Tây Nguyên. Toàn tỉnh có 8 huyện, thị xã, với 71 xã, phường, thị trấn, trong đó có 4 huyện và 7 xã biên giới, 20 xã đặc biệt khó khăn. Với tổng diện tích tự nhiên là 651.438 ha, dân số khoảng 494.972 người, gồm 29 dân tộc anh em chung sống. Cơ cấu kinh tế của tỉnh hiện nay là nông, lâm, ngư nghiệp 80,71%, công nghiệp - xây dựng chiếm 31,9%; thương mại - dịch vụ chiếm 18,20%. GDP bình quân đầu người khoảng 892,79 USD/năm. Mặt bằng dân trí thấp, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao, thu nhập bình quân trên đầu người còn thấp so với bình quân của cả nước; toàn tỉnh có 14.620 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 13,28% và 6.359 hộ cận nghèo chiếm 5,76% .

1.1. Về kinh tế:

- Tăng trưởng GDP thời kỳ 2006 - 2010 đạt mức bình quân 15,63%/năm (trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 45,22%, nông nghiệp tăng 5,67%, dịch vụ tăng 17%); thời kỳ 2011 - 2015 đạt mức bình quân 16% (trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 25%, nông nghiệp tăng 5,0%, dịch vụ tăng 17,66%); thời kỳ 2016 - 2020 đạt mức bình quân 15,6% (trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 20%, nông nghiệp tăng 4,5%, dịch vụ tăng 15,68%).

- Cơ cấu kinh tế chuyển đổi mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng từ 17,8% năm 2005 lên 48,6% năm 2010, lên 60,3% năm 2015 và lên 66,3% vào năm 2020. Tỷ trọng khu vực dịch vụ đạt 22,5% năm 2010, 22,8% năm 2015 và 23,8% năm 2020. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP đến năm 2010 là 28,9%, đến năm 2015 là 16,9% và đến năm 2020 giảm xuống còn khoảng 9,9%.

[...]