Quyết định 584/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam đến năm 2020” do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành

Số hiệu 584/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/05/2011
Ngày có hiệu lực 20/05/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Nam
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 584/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 20 tháng 5 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
Theo Công văn số 664/LĐTBXH-TCDN ngày 09 tháng 03 năm 2010 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam tại Tờ trình số 26/TTr-LĐTBXH ngày 09 tháng 4 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam đến năm 2020”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tỉnh Hà Nam; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Mai Tiến Dũng

 

ĐỀ ÁN

“ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2020”
(Kèm theo Quyết định số 584/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Thực hiện Quyết định số 1956 QĐ/TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyêt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và Công văn số 664/LĐTBXH-TCDN ngày 09 tháng 3 năm 2010 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai Đề án theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tỉnh Hà Nam như sau:

I. THƯC TRẠNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

1. Tình hình kinh tế - xã hội

Trong những năm gần đây, Hà Nam là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn đầu tư khá cao; công nghiệp, xây dựng đạt 16,96%, du lịch, dịch vụ đạt 7,87%.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã và đang chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp- xây dựng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế chưa phát huy đầy đủ được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

2. Tình hình lao động - việc làm của tỉnh giai đoạn 2006 - 2010

a) Tình hình lao động

Nguồn nhân lực của tỉnh dần phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2010, số người trong độ tuổi lao động của tỉnh là 605.466 người, trong đó, số người có khả năng tham gia lao động là 483.557 người. Lực lượng lao động nữ trong độ tuổi là 232.085 người, chiếm tỷ lệ 48,51%. Trong tổng lực lượng lao động trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động, lực lượng lao động ở nhóm tuổi 15-34 chiếm tỷ lệ 44,74%, lực lượng lao động trung niên ở nhóm tuổi 35- 54 chiếm tỷ lệ 52,25%, lực lượng lao động ở nhóm tuổi 55-59 chiếm tỷ lệ 3,01%.

Nguồn lao động của tỉnh đang ở thời kỳ thuận lợi cho tăng trưởng nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, số người làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản là 218.828 người, chiếm 54,21%. Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ còn thấp (công nghiệp, xây dựng 26,27% (106.044 người), trong lĩnh vực dịch vụ là 78.796 người (chiếm tỷ lệ 19,52%).

Là tỉnh có thế mạnh về nguồn nhân lực, có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng lực lượng lao động có tay nghề và có trình độ chuyên môn của tỉnh còn thấp. Đến năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 35%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 30%. Các lao động chủ yếu được đào tạo nghề ngắn hạn, với cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý để đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể năm 2010:

- Lao động chưa qua đào tạo chiếm 65%.

- Công nhân kỹ thuật chiếm 21,98%.

- Sơ cấp nghề chiếm 4,05%.

- Trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm 2,00 %.

- Cao đẳng chiếm 1,58%.

[...]