Quyết định 03/2013/QĐ-UBND về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Hải Dương

Số hiệu 03/2013/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/02/2013
Ngày có hiệu lực 16/02/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Nguyễn Mạnh Hiển
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2013/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 06 tháng 02 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 96/2003/QĐ-TTg ngày 13.5.2003 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương;

Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14.3.2008 của Chính phủ Quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15.10.2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12.02.2009; Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23.5.2007 của Chính phủ quy định về tổ chức bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT ngày 15.7.2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quản lý và bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp và cụm công nghiệp; Thông tư số 48/2011/TT-BTNMT ngày 28.12.2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT ngày 15.7.2009; Thông tư số 13/2009/TT-BLĐTBXH ngày 06.5.2009 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao; Thông tư số 19/2008/TT-BXD ngày 20.11.2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế;

Thực hiện thông báo số 669-TB/TU ngày 24.12.2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 10/TTr-SNV ngày 05 tháng 01 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh như sau:

I. Vị trí, chức năng:

1. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; quản lý, tổ chức thực hiện việc cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong khu công nghiệp; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật.

2. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức, biên chế, kinh phí hoạt động, chương trình kế hoạch công tác; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của các Bộ, ngành quản lý về ngành, lĩnh vực có liên quan; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý khu công nghiệp.

3. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh có tư cách pháp nhân; tài khoản và con dấu theo quy định của pháp luật; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo quy định.

II. Nhiệm vụ, quyền hạn

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Tham gia ý kiến với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch có liên quan đến hoạt động đầu tư, phát triển khu công nghiệp.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Quy chế phối hợp làm việc giữa Ban với các cơ quan có liên quan để thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn được giao theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển khu công nghiệp.

3. Xây dựng chương trình, kế hoạch về xúc tiến đầu tư phát triển khu công nghiệp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.

4. Xây dựng kế hoạch hàng năm và 05 năm về phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu cho các khu công nghiệp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.

5. Dự toán ngân sách, kinh phí hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển hàng năm của Ban trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật.

6. Quản lý, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính việc thực hiện quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan tới khu công nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

7. Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và gia hạn Giấy phép thành lập văn phòng đại diện thương mại của tổ chức và thương nhân nước ngoài đặt trụ sở tại khu công nghiệp; cấp Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào khu công nghiệp sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Công Thương.

8. Điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt của khu công nghiệp nhưng không làm thay đổi chức năng sử dụng khu đất, cơ cấu quy hoạch và thông báo việc điều chỉnh cho cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng; cấp chứng chỉ quy hoạch cho các dự án đầu tư trong khu công nghiệp theo quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt; tham gia ý kiến thiết kế cơ sở đối với các dự án nhóm B, nhóm C hoặc cấp, gia hạn Giấy phép xây dựng công trình (Đối với công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng).

9. Cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sản xuất trong khu công nghiệp theo ủy quyền của Bộ Công Thương và các loại giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận khác có liên quan trong khu công nghiệp.

10. Tham gia việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trong khu công nghiệp; quản lý công tác bảo vệ môi trường các khu công nghiệp theo quy định.

11. Cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp; cấp sổ lao động cho người lao động Việt Nam làm việc trong khu công nghiệp; tổ chức thực hiện đăng ký nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy an toàn vệ sinh, nội quy an toàn lao động, hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động, kế hoạch đưa người lao động đi thực tập ở nước ngoài dưới 90 ngày cho doanh nghiệp; nhận báo cáo về tình hình ký kết, sử dụng, chấm dứt hợp đồng lao động của doanh nghiệp; chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp theo quy định.

12. Đăng ký đầu tư theo thẩm quyền; thẩm tra cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư các dự án vào khu công nghiệp.

[...]