BỘ
THƯƠNG MẠI
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
0265/2006/QĐ-BTM
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2006 CỦA BỘ
THƯƠNG MẠI
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
Căn cứ Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ngày 16
tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Thương mại;
Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn
2001-2010;
Căn cứ Kế hoạch tổng thể về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 và
Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn II (2006-2010) của Bộ Thương mại;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính năm 2006 của Bộ
Thương mại ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Thủ trưởng các
đơn vị thuộc cơ quan Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Lưu: VT, VP, PC
|
BỘ TRƯỞNG
Trương Đình Tuyển
|
KẾ HOẠCH
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2006 CỦA BỘ THƯƠNG MẠI
(Ban hành kèm theo Quyết định số
0265/2006/QĐ-BTM ngày
20 tháng 02 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thương mại)
I. VỀ CẢI CÁCH THỂ CHẾ
1. Công tác soạn thảo và ban hành văn bản
quy phạm pháp luật
a. Kế hoạch:
- Hoàn thành soạn thảo và trình 3 dự thảo Nghị định,
5 dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Hoàn thành soạn thảo và ban hành theo thẩm quyền
35 văn bản quy phạm pháp luật.
b. Đơn vị chủ trì: Theo phân công tại Quyết định
số 0079/2006/QĐ-BTM ngày 17/1/2006 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.
c. Đơn vị đầu mối đôn đốc thực hiện: Vụ Pháp chế
và Văn phòng Bộ.
2. Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp
luật
a. Kế hoạch:
- Triển khai hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp
luật phục vụ cho quản lý nhà nước trong ngành thương mại trên mạng nội bộ eMOT.
- Rà soát và công bố các văn bản quy phạm pháp
luật trong lĩnh vực thương mại đã hết hiệu lực thi hành.
- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong
lĩnh vực thương mại có bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện trên thực tế
để kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
b. Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp chế.
3. Cải cách thủ tục hành chính
a. Kế hoạch:
- Trong năm 2006, Bộ Thương mại sẽ ban hành các
Thông tư, Quyết định triển khai các Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại.
Các đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản cần quán triệt tinh thần cải cách thủ tục
hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện
để thể chế vào công tác xây dựng pháp luật.
- Kiểm tra và rà soát thủ tục hành chính và quy
chế công tác của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ.
b. Đơn vị chủ trì: Theo phân công tại Quyết định
số 0079/2006/QĐ-BTM ngày 17/1/2006 của Bộ trưởng Bộ Thương mại. Văn phòng Bộ
lên lịch công tác cho Lãnh đạo Bộ để kiểm tra, rà soát thủ tục hành chính và
quy chế công tác của từng đơn vị.
4. Các công tác khác liên quan đến cải
cách thể chế
a. Kế hoạch:
- Đăng đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan trực tiếp đến ngành thương mại lên
trang web MOT.
- Đăng đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật do
Bộ Thương mại ban hành lên trang web MOT.
- Tổ chức tốt công tác phổ biến pháp luật thương
mại đặc biệt chú ý đến đối tượng là các cơ quan quản lý thương mại ở địa phương
và các doanh nghiệp.
b. Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp chế.
II. CẢI CÁCH TỔ CHỨC BỘ MÁY
HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
1. Về chức năng, nhiệm vụ
a. Kế hoạch: Trong năm 2006, tổ chức tốt việc
triển khai các chức năng, nhiệm vụ mới của ngành thương mại bao gồm:
- Quản lý cạnh tranh;
- Quản lý chống bán phá giá;
- Quản lý chống trợ cấp;
- Quản lý bán hàng đa cấp;
- Quản lý nhượng quyền thương mại;
- Quản lý mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch.
Ngoài ra, cần tổ chức rà soát lại chức năng, nhiệm
vụ của các Cục, Vụ thuộc Bộ để khắc phục một số chồng chéo đang diễn ra làm ảnh
hưởng đến việc thực hiện công tác chung của Bộ.
b. Đơn vị chủ trì: Vụ Tổ chức Cán bộ.
2. Về sắp xếp, tổ chức bộ máy
a. Kế hoạch:
- Sắp xếp và tổ chức tốt việc thành lập các đơn
vị trực thuộc Cục Quản lý cạnh tranh, Ban thư ký giúp việc cho Hội đồng xử lý vụ
việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, Phòng Tiêu chuẩn chất lượng thuộc
Vụ Xuất nhập khẩu.
- Nghiên cứu, sắp xếp lại các thương vụ theo hướng
rút cơ quan thương vụ ở những khu vực không cần thiết và tăng cơ quan thương vụ
ở những khu vực cần thiết.
b. Đơn vị chủ trì: Vụ Tổ chức Cán bộ.
3. Phân cấp quản lý nhà nước
a. Kế hoạch:
- Đôn đốc thực hiện kế hoạch phân cấp cho địa
phương đã đề ra từ năm 2005.
- Thực hiện việc phân cấp trong các chức năng mới
của ngành thương mại như quản lý bán hàng đa cấp, quản lý nhượng quyền thương mại.
- Tiến hành kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc thực
hiện những lĩnh vực được phân cấp ở một số địa phương.
- Đề xuất cơ chế báo cáo, kiểm tra và chế độ
trách nhiệm trong việc thực hiện phân cấp ở địa phương.
- Nghiên cứu cơ chế phân cấp cho các đơn vị sự
nghiệp thuộc Bộ về biên chế, tiền lương, cán bộ, thi tuyển công chức, tài chính
và các vấn đề khác theo hướng mở rộng quyền tự chử cho các đơn vị được phân cấp.
b. Đơn vị chủ trì: Vụ Tổ chức Cán bộ và Vụ Pháp
chế.
III. XÂY DỰNG VÀ NÂNG CAO CHẤT
LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
1. Về đổi mới công tác quản lý cán bộ,
công chức
a. Kế hoạch:
- Xây dựng cụ thể tiêu chuẩn Trưởng phòng, Phó
phòng và tương đương để Bộ ban hành.
b. Đơn vị chủ trì: Vụ Tổ chức Cán bộ.
2. Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
và nâng cao trách nhiệm và đạo đức cán bộ, công chức
a. Kế hoạch
- Tổ chức đánh giá lại trình độ công chức về
chuyên môn, ngoại ngữ, tin học.
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đạt tiêu
chuẩn nghiệp vụ theo các ngạch công chức do Bộ Nội vụ quy định.
- Đào tạo, bồi dưỡng để mỗi lĩnh vực công tác
thuộc Bộ ít nhất một chuyên gia đầu ngành (về xuất nhập khẩu, chính sách thị
trường nước ngoài, chính sách thị trường trong nước, thương mại điện tử, pháp
luật thương mại,…)
- Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiền
công vụ cho cán bộ, công chức cơ quan Bộ.
- Triển khai đào tạo, bồi dưỡng về hội nhập kinh
tế quốc tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
b. Đơn vị chủ trì: Vụ Tổ chức Cán bộ.
IV. CẢI CÁCH TÀI CHÍNH CÔNG
1. Thực hiện khoán biên chế và khoán chi hành
chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định
chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành
chính đối với các cơ quan nhà nước.
a. Kế hoạch:
- Thực hiện cơ chế khoán biên chế và khoán chi
hành chính đến toàn bộ các đơn vị thuộc Bộ đủ điều kiện.
- Nghiên cứu cơ chế khoán chi hành chính áp dụng
cho cơ quan thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài.
b. Đơn vị chủ trì: Vụ Tài chính Kế toán.
V. HIỆN ĐẠI HÓA NỀN HÀNH
CHÍNH NHÀ NƯỚC
1. Về kỷ luật, kỷ cương hành chính và đổi
mới lề lối, phương thức làm việc
a. Kế hoạch:
- Nghiên cứu việc cấp thẻ công chức bằng thẻ từ
để quản lý công chức và khách đến làm việc với cơ quan Bộ.
- Nghiên cứu tiến đển trả lương cho cán bộ, công
chức của cơ quan Bộ qua tài liệu khoản ngân hàng.
- Sớm ban hành Quy chế làm việc mới của Bộ.
- Rà soát toàn bộ các Quy chế liên quan đến lề lối
làm việc của Bộ Thương mại để có những chỉnh sửa phù hợp với Quy chế làm việc mới
của Bộ, chú trọng công tác ứng xử với cơ quan báo chí của người phát ngôn của Bộ.
- Triển khai thực hiện các Quy chế công tác của
Bộ và in thành sổ tay phổ biến đến từng cán bộ, công chức.
- Nâng cao hiệu quả các cuộc họp, kể cả các cuộc
họp chuyên đề và hợp giao ban.
- Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các đơn vị
trong cơ quan Bộ.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình
hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
b. Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ.
2. Về tin học hóa quản lý nhà nước
a. Kế hoạch:
- Với trang web MOT
+ Tiếp tục đẩy mạnh minh bạch hóa hoạt động của
Bộ và cung cấp thông tin trên MOT. Đặc biệt chú trọng các nội dung về văn bản
pháp quy (bao gồm các dự thảo cần xin ý kiến rộng rãi), thông tin thương mại,
hoạt động của Lãnh đạo Bộ.
+ Xây dựng trang web cho 5 thương vụ Việt Nam ở
nước ngoài. Bổ sung 2 ngôn ngữ mới (Trung, Pháp) cho trang web MOT để cung cấp
thông tin cho các thị trường Châu Âu, Châu Phi và Trung Quốc.
+ Xây dựng đề án hoàn thiện trang web MOT cho thời
gian tới (Tiếp tục đổi mới giao diện để thể hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của
Bộ, số liệu về các loại Giấy phép mà ngành đang quản lý).
+ Đẩy mạnh giao tiếp, trao đổi thông tin giữa
các đơn vị của Bộ Thương mại và các tổ chức, cá nhân quan tâm thông qua mục Diễn
đàn trên trang web MOT.
+ Công khai tình hình xử lý văn bản của các đơn
vị.
- Với mạng nội bộ eMOT
+ Tiếp tục cải tiến nâng cao về công nghệ, nội
dung, hình thức của mạng nội bộ.
+ Tăng các hoạt động tác nghiệp công vụ trên mạng
eMOT.
+ Phấn đấu để eMOT là một trong những mạng nội bộ
thuận tiện nhất trong công tác tin học hóa của các Bộ, ngành.
- Với hệ thống ELVIS.
+ Duy trì việc truyền dữ liệu và cung cấp thông
tin như hiện nay.
+ Cải tiến việc cung cấp thông tin về tình hình
thực hiện hạn ngạch dệt may sang Hoa Kỳ trên mạng MOT.
- Với hệ thống thư điện tử.
+ Đảm bảo hoạt động ổn định, giảm thiểu thư rác
và an ninh mạng.
+ Tăng dung lượng hợp thư lên 150-200MB.
- Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin.
+ Tiếp tục quy hoạch lại hệ thống mạng của Bộ để
đáp ứng các yêu cầu mới.
+ Mở rộng VOP đến 15 thương vụ, nâng tổng cộng số
thương vụ có VOP lên 25.
- Với dịch vụ công
+ Đẩy mạnh việc triển khai dịch vụ công của Bộ
Thương mại trên internet: Cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử; cấp giấy phép hoạt
động cho các chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
b. Đơn vị chủ trì: Vụ Thương mại điện tử
3. Về hiện đại hóa công sở
a. Kế hoạch:
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở mới tại
23-25 Ngô Quyền.
- Nâng cấp và quản lý tốt máy móc, thiết bị văn
phòng của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ.
b. Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2006 CỦA BỘ THƯƠNG MẠI
1. Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Thương
mại có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính
năm 2006 của Bộ Thương mại.
2. Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ được giao chủ trì
các đầu mục công việc cụ thể chịu trách nhiệm triển khai, làm đầu mối phối hợp
với các đơn vị khác thuộc cơ quan Bộ để thực hiện.
3. Tổ giúp việc Ban chỉ đạo cải cách hành chính
của Bộ Thương mại có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và báo cáo kịp thời tình
hình, kết quả thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của các đơn vị thuộc cơ
quan Bộ theo nội dung và tiến độ đã được phê duyệt./.