Quyết định 02/2017/QĐ-UBND phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương trên địa bàn Khánh Hòa
Số hiệu | 02/2017/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 09/03/2017 |
Ngày có hiệu lực | 20/03/2017 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Khánh Hòa |
Người ký | Lê Đức Vinh |
Lĩnh vực | Thương mại,Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2017/QĐ-UBND |
Khánh Hòa, ngày 09 tháng 3 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI CÁC LOẠI HÌNH SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM NHỎ LẺ THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật an toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;
Căn cứ Thông tư số 58/2014/TT-BCT ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cấp, thu hồi Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương;
Căn cứ Thông tư số 57/2015/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BCT-BNV ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa tại Tờ trình số 10/TTr-SCT ngày 06 tháng 3 năm 2017 về việc phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phân cấp cho UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương trên địa bàn, bao gồm:
1. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ và thực phẩm tổng hợp nhỏ lẻ (không bao gồm chợ đầu mối và chợ đấu giá nông sản) được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Buôn bán hàng rong (đối tượng kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định).
3. Các tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
4. Các tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
5. Cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt (không sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ để duy trì các yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và các yếu tố bảo quản khác theo yêu cầu của nhà sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm).
Điều 2. Trên cơ sở phân cấp tại nội dung tại Điều 1, Quyết định này, UBND cấp huyện ủy quyền cho Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thực hiện quản lý an toàn thực phẩm đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn theo các nội dung cụ thể như sau:
1. Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức kiểm tra và cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm đối với các đối tượng quy định tại Điều 1, Quyết định này.
2. Tiếp nhận hồ sơ, thực hiện cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các đối tượng quy định tại Khoản 3, Điều 1, Quyết định này.
3. Tổ chức ký Cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1, 2, 4, 5 Điều 1.
4. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
5. Tham mưu UBND cấp huyện thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra và kiến nghị xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.
6. Báo cáo nhanh, đột xuất, định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm kết quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo phân cấp về Sở Công Thương để theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương theo quy định.
Điều 3. Sở Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho Phòng Kinh tế hoặc phòng kinh tế và hạ tầng trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20/3/2017.