Quyết định 02/2011/QĐ-UBND về quy chế quản lý, vận hành, khai thác và dịch vụ nước sinh hoạt công trình cấp Nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do địa phương hưởng lợi trực tiếp quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành

Số hiệu 02/2011/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/01/2011
Ngày có hiệu lực 05/02/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Đặng Viết Thuần
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2011/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 26 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC VÀ DỊCH VỤ NƯỚC SINH HOẠT CÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN DO CÁC ĐỊA PHƯƠNG HƯỞNG LỢI TRỰC TIẾP QUẢN LÝ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 26/11/2003
Căn cứ Luật Tài nguyên nước được Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 3 khoá X.
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình .
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp tiêu thụ nước sạch.
Căn cứ Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2010-2020.
Căn cứ Chỉ thị số 105/2006/CT-BNN ngày 16/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường tổ chức quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn.
Căn cứ Chỉ thị số 81/2007/CT- BNN ngày 02/7/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP, ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình; nghị định số 99/2007/NĐ-CP, ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý các dự án đầu tư.
Căn cứ quyết định số 2368/2007/QĐ-UBND, ngày 29/10/2007 của UBND tỉnh Thái Nguyên V/v Ban hành quy định về công tác quản lý dự án đầu tư và xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên đại bàn tỉnh Thái Nguyên
Xét đề nghị của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tờ trình số 59/CV-SNN, ngày 17/01/2011về việc: Ban hành quy chế quản lý, vận hành, khai thác, dịch vụ nước sinh hoạt các công trình cấp Nước sinh hoạt nông thôn do địa phương hưởng lợi trực tiếp quản lý,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản quy chế quản lý, vận hành, khai thác và dịch vụ nước sinh hoạt các công trình cấp Nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do các địa phương hưởng lợi trực tiếp quản lý.

Điều 2: Giao cho sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện bản quy chế này.

Quyết định này thay thế cho Quyết định số 1331/1999/QĐ-UB ngày 08/05/1999 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Giám đốc Trung tâm nước SH và VSMT nông thôn, Chủ tịch UBND các xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Viết Thuần

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC, DỊCH VỤ NƯỚC SINH HOẠT CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN DO ĐỊA PHƯƠNG HƯỞNG LỢI TRỰC TIẾP QUẢN LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 02/2011/QĐ-UBND, ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên).

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là tài sản của Nhà nước được đầu tư xây dựng tại địa phương từ nguồn vốn của Chính phủ, các tổ chức Quốc tế và một phần đóng góp của nhân dân.

Điều 2: Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là công trình phúc lợi tập thể, phục vụ an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của người dân trong khu vực.

Điều 3: Mỗi công trình thi công hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, tùy theo quy mô công trình UBND Tỉnh có Quyết định giao cho một đơn vị cụ thể hoặc UBND xã, phường, thị trấn hưởng lợi công trình chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và dịch vụ nước sinh hoạt cho các nhu cầu sử dụng trong vùng dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước (công trình có quy mô phục vụ cho 300 hộ gia đình trở lên sẽ giao cho đơn vị chuyên ngành quản lý, vận hành. Công trình quy mô dưới 300 hộ gia đình sẽ giao cho Địa phương quản lý, vận hành). Cơ quan Chủ đầu tư có nhiệm vụ hướng dẫn quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa công trình và dịch vụ nước sinh hoạt.

Cơ quan chủ quản cấp trên, UBND huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đơn vị hoặc UBND địa phương được giao nhiệm vụ tiếp nhận quản lý vận hành, khai thác, dịch vụ nước sinh hoạt đảm bảo công trình hoạt động bền vững, tuân thủ quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 4: Công trình giao cho địa phương quản lý, chính quyền địa phương phải thành lập Ban quản lý vận hành có từ 2 đến 4 người làm việc bán chuyên trách, do người hưởng lợi thống nhất đề nghị và được Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn quyết định thành lập. (tùy theo quy mô công trình mà ấn định số lượng người tham gia) Chế độ quyền lợi của những người trong Ban quản lý vận hành công trình do UBND xã, phường, thị trấn quy định cụ thể trong phạm vi thu tiền sử dụng nước sinh hoạt của người hưởng lợi công trình (ngân sách Nhà nước không cấp kinh phí)

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5: Nhiệm vụ của đơn vị, Ban quản lý (BQL) vận hành công trình

5.1: Vận hành thành thạo toàn bộ hệ thống công trình cấp nước đang sử dụng (bao gồm: các công việc về nguyên tắc xử lý chất lượng nước, quy mô hệ thống nguyên lý hoạt động của công trình thực hiện quy trình duy tu bảo dưỡng và công tác vệ sinh môi trường…).

5.2: Đảm bảo điều tiết nước phục vụ thường xuyên cho các điểm sử dụng nước (cụm dân cư, hộ gia đình…) giải quyết các tranh chấp về nước (nếu xảy ra) trong phạm vi công trình đang quản lý. Nếu vượt quá thẩm quyền phải báo cáo với các cấp, ngành chức năng có liên qua giải quyết xử lý kịp thời.

5.3: Bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời những hư hỏng đột xuất. Trực tiếp bảo dưỡng theo định kỳ các phần việc mà hồ sơ thiết kế đã quy định.

5.4: Bảo vệ an toàn và có biện pháp giải quyết kịp thời đối với những tác động xấu đến chất lượng công trình và chất lượng nguồn nước, những hành vi phá hoại công trình, gây ô nhiễm nguồn nước phải ngừng cấp nước, khắc phục hậu quả và báo cáo ngay cơ quan chức năng phối hợp xử lý kịp thời.

[...]