Quyết định 0044/QĐ-BCT năm 2010 phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2010 do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Số hiệu 0044/QĐ-BCT
Ngày ban hành 06/01/2010
Ngày có hiệu lực 06/01/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ CÔNG THƯƠNG 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 0044/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THANH TRA, KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2010

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công Thương;
Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng số 01/2007/QH12 ngày 04 tháng 8 năm 2007;
Căn cứ Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2010 của Thanh tra Chính phủ và Chương trình công tác thanh tra năm 2010 của Bộ Công Thương;
Xét đề nghị của Thường trực ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2010 của Bộ Công Thương.

Điều 2. Thường trực Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng có trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã được phê duyệt.

Điều 3. Thường trực Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; các Tập đoàn kinh tế, các Tổng Công ty 90, 91, các cơ quan, đơn vị được thanh tra, kiểm tra và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Thanh tra Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ;
- Đảng ủy Bộ Công Thương;
- Đảng ủy Khối Công nghiệp Hà Nội;
- Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Công nghiệp TW tại Tp. HCM;
- Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Thương mại tại TP.HCM;
- Công đoàn Công Thương Việt Nam;
- Lưu: VT, TTB.

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

KẾ HOẠCH

THANH TRA, KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2010
(Kèm theo Quyết định số 0044/QĐ-BCT ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Chiếc lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Chương trình công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Công Thương; Kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2010 tập trung vào các mục tiêu và nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Thông qua thanh tra nhằm đánh giá, kết luận trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được thanh tra trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế và khắc phục những vấn đề còn bất cập, vướng mắc (nếu có); làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị biện pháp khắc phục, xử lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Tiến hành thanh tra theo đúng quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thanh tra có trọng tâm, tập trung vào những nội dung đã có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của cấp trên hoặc những nội dung qua công tác quản lý nhà nước, khảo sát, nắm tình hình cho thấy đối tượng thanh tra có biểu hiện chưa tốt hoặc gặp khó khăn, vướng mắc.

II. NỘI DUNG THANH TRA, KIỂM TRA

Xem xét đánh giá thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị được thanh tra; tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

1. Việc tuyên truyền, phổ biến quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 trong cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2011 của Bộ Công Thương.

2. Việc công khai minh bạch trong hoạt động mua sắm công, xây dựng cơ bản, tài chính – ngân sách, quản lý sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ, huy động; quản lý đất đai, tài sản công; công tác tổ chức cán bộ; việc thực hiện về trách nhiệm cung cấp thông tin.

3. Việc cải cách thủ tục hành chính, đổi mới công nghệ quản lý.

4. Việc xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức tiêu chuẩn; việc cán bộ, công chức, viên chức nộp lại quà tặng theo Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

5. Việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức;

6. Việc kê khai, xác minh, công khai kết quả xác minh tài sản thu nhập theo quy định tại Nghị định số 37/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 85/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

7. Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

8. Việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách theo Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

9. Việc người đứng đầu định kỳ kiểm điểm trách nhiệm trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng;

[...]