Quy định 699/2000/QĐ-TLĐ về thu và phân phối tài chính công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 699/2000/QĐ-TLĐ
Ngày ban hành 12/06/2000
Ngày có hiệu lực 27/06/2000
Loại văn bản Quy định
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Cù Thị Hậu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước

TỔNG LIÊN ĐOÀN
LAO ĐỘNG VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 699/2000/QĐ-TLĐ

Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 2000 

 

QUY ĐỊNH

VỀ THU VÀ PHÂN PHỐI TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN

Thực hiện Nghị quyết số 4a/NQ–TLĐ ngày 14/3/2000 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khóa VIII về một số vấn đề trong công tác tài chính và hoạt động kinh tế công đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quy định về thu và phân phối tài chính công đoàn như sau:

I. VỀ THU

1. Thu kinh phí công đoàn:

Căn cứ theo tinh thần Thông tư liên tịch số 76/1999/TC–TLĐ ngày 16/6/1999 giữa Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ Tài chính, việc thu kinh phí công đoàn (KPCĐ) thực hiện như sau:

1.1 Các cơ quan, đơn vị tổ chức hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước:

a) Tổng Liên đoàn LĐVN thu đủ 2% quỹ tiền lương và phụ cấp lương (qui định tại Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 và Nghị định số 175/1999/NĐ–CP ngày 15/12/1999 của Chính phủ) của các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước ở Trung ương do Bộ Tài chính trích chuyển.

b) Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là LĐLĐ tỉnh, thành phố) thu đủ 2% quỹ tiền lương và phụ cấp lương (qui định tại Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 và Nghị định số 175/1999/NĐ–CP ngày 15/12/1999 của Chính phủ) của các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước ở địa phương do cơ quan Tài chính địa phương trích chuyển.

1.2. Đối với các cơ quan, tổ chức không hưởng lương từ Ngân sách nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, Cty TNHH, Cty cổ phần, Hợp tác xã và các doanh nghiệp khác theo quy định của Pháp luật):

Công đoàn cơ sở trực tiếp thu đủ 2% quỹ tiền lương, tiền công và phụ cấp phải trả của đơn vị.

2. Thu đoàn phí:

Các công đoàn cơ sở trực tiếp thu đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Thông tri số 06/TC–TLĐ ngày 20/01/1995 của Đoàn chủ tịch TLĐ.

3. Các khoản thu khác:

Khoản thu từ hoạt động kinh tế, văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, hoạt động của các dự án trong và ngoài nước; sự hỗ trợ của cơ quan, doanh nghiệp và chính quyền Nhà nước các cấp, phát sinh ở cấp nào thì do công đoàn cấp đó thu.

II. VỀ PHÂN PHỐI

Phân phối tài chính công đoàn dựa trên 2 khoản thu chủ yếu là kinh phí công đoàn và đoàn phí, còn các khoản thu khác, nơi nào có thu thì được để tăng chi, công đoàn cấp trên chỉ điều tiết những trường hợp đặc biệt. Việc phân phối cho từng cấp công đoàn thực hiện như sau:

1. Công đoàn cơ sở:

Cấp công đoàn cơ sở được sử dụng bình quân 50% số thực thu kinh phí công đoàn và 70% số thực thu đoàn phí. Công đoàn cấp trên căn cứ vào tình hình cụ thể để phân phối cho từng công đoàn cơ sở thuộc mình quản lý.

1.1. Đối với các công đoàn cơ sở thuộc khu vực HCSN địa phương thì các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố sử dụng số KPCĐ thu qua cơ quan Tài chính địa phương để cấp cho công đoàn cơ sở. Khi cấp cần tính bù trừ số 30% đoàn phí mà công đoàn cơ sở phải nộp lên.

1.2. Đối với các công đoàn cơ sở thuộc khu vực HCSN Trung ương thì Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sử dụng số kinh phí công đoàn thu qua Bộ Tài chính để cấp cho các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, các công đoàn ngành Trung ương và Công đoàn Tổng công ty (CĐ TCty) trực thuộc TLĐ để các cấp công đoàn này cấp kinh phí cho các công đoàn cơ sở do mình trực tiếp quản lý.

1.3. Đối với các công đoàn cơ sở của những cơ quan, đơn vị không hưởng lương từ Ngân sách nhà nước và các doanh nghiệp (nơi trực tiếp thu kinh phí công đoàn):

Công đoàn cơ sở được giữ lại bình quân 50% số thực thu kinh phí công đoàn (KPCĐ) và 70% số thực thu đoàn phí để chi tiêu. Phần còn lại gồm 50% số thực thu KPCĐ và 30% số thực thu đoàn phí nộp lên công đoàn cấp trên trực tiếp quản lý và chuyển cho cấp chỉ đạo phối hợp theo quy định của TLĐ và phân cấp của Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương hoặc CĐ TCty trực thuộc TLĐ.

1.4. Đối với những công đoàn cơ sở có công đoàn cơ sở thành viên và Công đoàn giáo dục huyện có công đoàn cơ sở trường học: Các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và CĐ TCty trực thuộc TLĐ quy định tỷ lệ phân phối hợp lý cho 2 cấp đó lấy từ phần KPCĐ và đoàn phí của cấp công đoàn cơ sở. Trường hợp cần thiết, có thể bổ sung thêm bằng nguồn kinh phí của cấp trên cơ sở.

1.5. Về kinh phí chi cho hoạt động chỉ đạo phối hợp, thực hiện theo quy định sau:

– Các công đoàn cơ sở thuộc công đoàn ngành Trung ương hoặc CĐ TCty trực thuộc TLĐ quản lý tài chính có trách nhiệm trích chuyển 10% số thu KPCĐ của đơn vị cho Liên đoàn lao động địa phương nơi đơn vị đóng.

– Các công đoàn cơ sở Trung ương do Liên đoàn lao động tỉnh, TP quản lý tài chính có trách nhiệm trích chuyển 5% số thu KPCĐ của đơn vị cho công đoàn ngành Trung ương, CĐ TCty trực thuộc TLĐ.

Để đảm bảo nguyên tắc chỉ một cấp thu KPCĐ, những công đoàn cơ sở không trực tiếp thu KPCĐ thì công đoàn cấp trên trực tiếp thu và trích chuyển cho cấp chỉ đạo phối hợp. Các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, CĐ TCty trực thuộc TLĐ khi lập và báo cáo kế hoạch thu chi tài chính lên TLĐ cần có phần báo cáo cụ thể về kinh phí cho hoạt động chỉ đạo phối hợp này.

[...]