Pháp lệnh Đo lường năm 1990 do Hội đồng Nhà nước ban hành

Số hiệu 43-LCT/HĐNN8
Ngày ban hành 06/07/1990
Ngày có hiệu lực 01/10/1990
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Hội đồng Nhà nước
Người ký Võ Chí Công
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 43-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 1990

 

PHÁP LỆNH

ĐO LƯỜNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỐ 43-LCT/HĐNN8

Để đo lường được thống nhất và chính xác nhằm bảo đảm công bằng và quyền lợi của mọi người; nâng cao chất lượng sản phẩm; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiêm, vật tư, năng lượng; bảo đảm an toàn lao động; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật; tạo điều kiện thuận lợi trong giao lưu quốc tế;
Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định về đo lường.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Đo lường là hoạt động để xác định giá trị của đại lượng cần đo, có quan hệ mật thiết đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Nhà nước thống nhất quản lý đo lường trên cơ sở pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc công nhận.

Điều 2

Mọi tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường hoặc liên quan đến đo lường trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân theo các quy định của Pháp lệnh này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc công nhận có quy định khác.

Điều 3

Hội đồng bộ trưởng thực hiện thống nhất quản lý đo lường trong cả nước.

Việc quản lý Nhà nước về đo lường bao gồm :

1- Lập quy hoạch, kế hoạch về đo lường; quy định các chế độ, thể lệ về đo lường;

2- Tổ chức các cơ quan quản lý đo lường và quản lý hoạt động của các cơ quan này;

3- Quy định đơn vị đo lường hợp pháp; xây dựng và quản lý hệ thống chuẩn đơn vị đo lường, hệ thống mẫu chuẩn;

4- Kiểm định chuẩn đơn vị đo lường và phương tiện đo lường;

5- Duyệt mẫu, cho phép sản xuất và nhập khẩu phương tiện đo lường;

6- Thanh tra Nhà nước về đo lường và xử lý các vi phạm pháp luật về đo lường.

Điều 4

Cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm cho hoạt động đo lường được thống nhất và chính xác.

Điều 5

Nghiêm cấm mọi hành vi gian lận trong cân, đong, đo đếm và các hoạt động đo lường khác.

Mọi tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại và tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật về đo lường; kiến nghị các biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động đo lường với Uỷ ban nhân dân, cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường các cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền khác. Các cơ quan này có trách nhiệm xem xét và giải quyết những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

Chương 2:

CƠ QUAN QUẢN LÝ ĐO LƯỜNG

Điều 6

Cơ quan quản lý đo lường bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường và cơ quan quản lý đo lường ngành, cơ sở.

[...]