Chỉ thị 19-LN/KL năm 1977 về tăng cường thực hiện các quy trình kỹ thuật kinh doanh rừng trong sản xuất lâm nghiệp do Bộ Lâm nghiệp ban hành

Số hiệu 19-LN/KL
Ngày ban hành 16/05/1977
Ngày có hiệu lực 31/05/1977
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Lâm nghiệp
Người ký Trần Văn Quế
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ LÂM NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-LN/KL

Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 1977 

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT KINH DOANH RỪNG TRONG SẢN XUẤT LÂM NGHIỆP

Từ khi Tổng cục Lâm nghiệp ban hành các quy trình kỹ thuật tạm thời trong kinh doanh rừng, như quy trình khai thác gỗ lớn (1963), khai thác tre nứa (1967), khai thác rừng chuyên kinh doanh gỗ trụ mỏ (1970), tu bổ rừng (1970), trồng rừng cho năm loài cây (1971), v.v…; công tác quản lý kỹ thuật trong kinh doanh rừng đã có nhiều tiến bộ. Một số Ty, lâm trường có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các quy trình kỹ thuật, nên sản xuất lâm nghiệp được quản lý theo nội dung có khoa học kỹ thuật, có nền nếp, có tổ chức và kỷ luật, năng suất lao động được nâng cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo, sản xuất được an toàn. Ở miền Nam, tuy mới được hoàn toàn giải phóng, còn có nhiều khó khăn, nhưng một số nơi cũng đã áp dụng quy trình kỹ thuật vào sản xuất.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, việc thực hiện các quy trình kỹ thuật kinh doanh rừng vẫn còn nhiều thiếu sót và khuyết điểm nghiêm trọng, kéo dài. Trong khai thác rừng, nhiều nơi chưa có quy hoạch chính thức hoặc quy hoạch tạm thời, rừng chưa được điều chế để đảm bảo khai thác lâu dài, liên tục, sản lượng ổn định và không ngừng tăng lên. Công tác xác minh, thiết kế khai thác, luồng rừng và vệ sinh rừng, công tác giao nhận, kiểm tra và thu hồi khoảnh khai thác nhiều nơi chưa làm hoặc làm không đầy đủ; tỷ lệ lợi dụng cây đứng còn rất thấp… Trong trồng rừng và tu bổ rừng, còn có nhiều nơi chưa thiết kế đã thi công, phương án thiết kế trồng rừng chưa chú ý đến các biện pháp phòng chống cháy rừng và sâu bệnh hại rừng; cải tạo rừng còn sai đối tượng, rừng trồng không được chăm sóc, tỉa thưa kịp thời, diện tích thành rừng còn quá ít so với công sức và mục tiêu đề ra… Tu bổ rừng thiếu chú ý đến cây mục đích tái sinh, vẫn còn hiện tượng phát trắng dưới tán rừng một cách tùy tiện…

Những việc làm không có khoa học kỹ thuật kể trên đã làm cho rừng sau khai thác ngày một tàn kiệt, tài nguyên rừng bị lãng phí nghiêm trọng, diện tích rừng được nuôi dưỡng và gây trồng mới không đảm bảo cân đối khai thác và tái sinh rừng. Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều nhưng trước hết phải nói đến việc quản lý kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh lâm nghiệp bị buông lỏng trong thời gian qua.

Về sản xuất lâm nghiệp, nghị quyết của Đại hội lần thứ tư của Đảng đã xác định: “Coi trọng tất cả các khâu trồng rừng, tu bổ, bảo vệ rừng và khai thác rừng”. Phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch Nhà nước năm1977 nêu rõ: “Phải áp dụng quy trình khai thác đảm bảo tái sinh rừng”. Để phát triển lâm nghiệp theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, Bộ yêu cầu các Ty, công ty, các lâm trường, hợp tác xã nghề rừng… thực hiện ngay những điểm sau đây:

1. Hoàn thành sớm quy hoạch khai thác gỗ, tre nứa cho các lâm trường, các khu vực giao cho hợp tác xã nghề rừng… Nơi nào chưa có quy hoạch chính thức, phải lập quy hoạch khai thác tạm thời. Trên cơ sở đó ổn định sản lượng khai thác hàng năm, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động sản xuất, khai thác đảm bảo tái sinh rừng.

2. Củng cố và tăng cường đội ngũ cán bộ, công nhân xác minh, thiết kế khai thác, thiết kế tu bổ, thiết kế trồng rừng, để có đủ số lượng và trình độ kỹ thuật hoàn thành công tác, chuẩn bị hiện trường sản xuất lâm nghiệp đúng đối tượng sản xuất, đúng mục đích kinh doanh và đúng thời hạn quy định. Ngay từ năm 1977- 1978, nhất thiết phải có xác minh, thiết kế trước khi tiến hành trồng rừng, tu bổ, khai thác rừng và chỉ khi nào có đủ hồ sơ thiết kế mới duyệt chỉ tiêu sản lượng cho các đơn vị.

3. Căn cứ vào các quy trình kỹ thuật mang tính chất quy phạm của ngành, cần đẩy mạnh việc xây dựng quy trình kỹ thuật của địa phương cho sát hợp đặc điểm, điều kiện tự nhiên từng nơi. Trong sản xuất phải tiến tới kinh doanh trên lô kinh doanh cố định, thực hiện việc ghi chép lý lịch rừng. Cần bố trí lực lượng kiểm lâm nhân dân sát từng khu rừng để hướng dẫn kiểm tra, nghiệm thu rừng chặt chẽ, xây dựng các quy định cụ thể để quản lý việc thực hiện quy trình kỹ thuật, có biện pháp hành chính để khen thưởng và xử lý thích đáng các hiện tượng vi phạm, không để vi phạm kéo dài.

4. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công nhân, xã viên hợp tác xã nghề rừng… thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Phải nhận thức sâu sắc ý nghĩa rừng là một bộ phận của môi trường sống, việc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong nghề rừng là vấn đề lương tâm và trách nhiệm của ngành lâm nghiệp với dân tộc, cả thế hệ đang sống và muôn đời con cháu; là vấn đề thực hiện một chỉ tiêu chất lượng có tính pháp lệnh như chỉ tiêu kế hoạch về mặt số lượng.

Căn cứ những yêu cầu trên đây, Cục kiểm lâm nhân dân phối hợp với Vụ công nghiệp rừng, Vụ lâm nghiệp, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành chỉ thị này và định kỳ sáu tháng, một năm tổng hợp tình hình, đề xuất việc khen thưởng, kỷ luật, báo cáo với Bộ.

Từ nay, phải đưa việc thực hiện quy trình kỹ thuật thành một tiêu chuẩn chất lượng của sản xuất lâm nghiệp để xét duyệt các danh hiệu thi đua, xét duyệt hoàn thành kế hoạch cho các đơn vị.

 

 

 

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LÂM NGHIỆP

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

 

Trần Văn Quế