Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành

Số hiệu 13-LCT/HĐNN8
Ngày ban hành 28/01/1989
Ngày có hiệu lực 11/02/1989
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Hội đồng Nhà nước
Người ký Võ Chí Công
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 28 tháng 1 năm 1989

 

PHÁP LỆNH

BẢO HỘ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỐ 13-LCT/HĐNN8 NGÀY 28/1/1989

Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động sở hữu công nghiệp, khuyến khích hoạt động sáng tạo và áp dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần mở rộng các quan hệ kinh tế, khoa học - kỹ thuật với nước ngoài ;
Căn cứ vào Điều 72 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ;
Pháp lệnh này quy định việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

1- Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức Nhà nước, tập thể và tư nhân có tư cách pháp nhân (sau đây gọi là tổ chức) và cá nhân bao gồm quyền sở hữu đối với Sáng chế, Giải pháp hữu ích, Kiểu dáng công nghiệp, Nhãn hiệu hàng hoá và quyền sử dụng đối với Tên gọi xuất xứ hàng hoá.

Nhà nước bảo hộ quyền lợi của tác giả Sáng chế, Giải pháp hữu ích, Kiểu dáng công nghiệp.

2- Nhà nước quan tâm và khuyến khích việc tạo ra, áp dụng rộng rãi Sáng chế, Giải pháp hữu ích, Kiểu dáng công nghiệp.

Điều 2: Nguyên tắc bình đẳng trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Nhà nước thực hiện nguyên tắc bình đẳng trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế.

Điều 3: Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng được bảo hộ theo Pháp lệnh này phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

Điều 4: Các đối tượng sở hữu công nghiệp được Nhà nước bảo hộ.

1- Sáng chế là giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới, có tính sáng tạo, có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

2- Giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ kỹ thuật ở Việt Nam, có khả năng hiện thực áp dụng trong điều kiện kinh tế, kỹ thuật hiện tại.

3- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng đường nét, hình khối, mầu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó, có tính mới đối với thế giới và dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

4- Nhãn hiệu hàng hoá là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hoá có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.

5- Tên gọi xuất xử hàng hoá là tên địa lý của nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ của mặt hàng từ nước, địa phương đó với điều kiện những mặt hàng này có tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên điều kiện địa lý độc đáo và ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên, con người hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó.

6- Những đối tượng sở hữu công nghiệp trái với lợi ích xã hội, trật tự công cộng, nguyên tắc nhân đạo và đạo đức xã hội chủ nghĩa thì không được bảo hộ.

Điều 5: Quản lý Nhà nước đối với hoạt động sở hữu công nghiệp.

1- Hội đồng bộ trưởng thực hiện việc quản lý chung, ban hành các chính sách khuyến khích, phát triển hoạt động sở hữu công nghiệp.

2- Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước tổ chức chỉ đạo việc thực hiện chính sách Nhà nước đối với hoạt động sở hữu công nghiệp.

3- Cục sáng chế thuộc Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước (sau đây gọi là Cục sáng chế) là cơ quan Nhà nước quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp, tiến hành các thủ tục công nhận quyền sở hữu công nghiệp, phối hợp với các tổ chức xã hội, các hội sáng tạo trong việc phát triển hoạt động sở hữu công nghiệp.

4- Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính tương đương có trách nhiệm phát triển hoạt động sở hữu công nghiệp, trong phạm vi quản lý của mình, bảo đảm việc thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động đó.

Điều 6

Trách nhiệm của các đơn vị cơ sở trong việc phát triển hoạt động sở hữu công nghiệp.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nghiên cứu khoa học - kỹ thuật có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động tạo ra, thử nghiệm và hoàn thiện Sáng chế, Giải pháp hữu ích, Kiểu dáng công nghiệp ; thực hiện các biện pháp để các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ kịp thời và sử dụng có hiệu quả, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả.

[...]