Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 11/2010/UBTVQH12
Ngày ban hành 16/03/2010
Ngày có hiệu lực 01/01/2011
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng,Giao thông - Vận tải

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 11/2010/UBTVQH12

Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2010

 

PHÁP LỆNH

THỦ TỤC BẮT GIỮ TÀU BAY

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Nghị quyết số 11/2007/QH12 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007 - 2011) và năm 2008;
Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Pháp lệnh này quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt giữ tàu bay tại cảng hàng không, sân bay để bảo đảm lợi ích của chủ nợ, chủ sở hữu, người thứ ba ở mặt đất bị thiệt hại hoặc người khác có quyền, lợi ích đối với tàu bay (sau đây gọi chung là người có quyền, lợi ích đối với tàu bay) hoặc để thi hành án dân sự và thẩm quyền, trình tự, thủ tục thả tàu bay đang bị bắt giữ.

2. Pháp lệnh này không áp dụng đối với tàu bay công vụ, trừ trường hợp tàu bay công vụ được dùng vào mục đích dân dụng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Pháp lệnh này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến bắt giữ tàu bay.

Điều 3. Thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu bay

Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) nơi có cảng hàng không, sân bay mà tàu bay bị yêu cầu bắt giữ hạ cánh có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu bay.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bắt giữ tàu bay là việc không cho phép tàu bay di chuyển khỏi cảng hàng không, sân bay bằng quyết định của Tòa án.

2. Người khác có quyền, lợi ích đối với tàu bay là người cho thuê tàu bay, người khai thác tàu bay hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đối với tàu bay theo quy định của Luật hàng không dân dụng Việt Nam nhưng không phải là chủ nợ, chủ sở hữu, người thứ ba ở mặt đất bị thiệt hại.

3. Tàu bay đã sẵn sàng cất cánh là tàu bay đã có lệnh được phép cất cánh của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu.

4. Tàu bay có yếu tố nước ngoài là tàu bay thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài; tàu bay thuộc sở hữu chung trong đó có ít nhất một chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tàu bay mang quốc tịch nước ngoài.

Điều 5. Trách nhiệm do bắt giữ tàu bay, yêu cầu bắt giữ tàu bay không đúng

1. Người yêu cầu bắt giữ tàu bay phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình; trường hợp yêu cầu bắt giữ tàu bay không đúng mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Thiệt hại xảy ra do hậu quả của việc yêu cầu bắt giữ tàu bay không đúng do các bên tự thoả thuận giải quyết; trường hợp không thoả thuận được và có tranh chấp thì có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Tòa án quyết định bắt giữ tàu bay, không bắt giữ tàu bay, thả tàu bay, không thả tàu bay không đúng mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu bay

1. Người yêu cầu bắt giữ tàu bay phải thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính, trừ trường hợp yêu cầu bắt giữ tàu bay để thi hành án được quy định tại khoản 1 Điều 32 của Pháp lệnh này theo một hoặc cả hai hình thức sau đây:

a) Nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

b) Gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá theo quyết định của Tòa án vào tài khoản phong toả tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu bay trong thời hạn chậm nhất là 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được quyết định.

Trường hợp thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ thì tài sản bảo đảm được tạm gửi giữ tại Tòa án; Tòa án chỉ nhận khoản tiền hoặc giấy tờ có giá và tiến hành niêm phong, bảo quản. Vào ngày làm việc tiếp theo, người yêu cầu bắt giữ tàu bay phải gửi ngay tài sản đó vào ngân hàng dưới sự giám sát của Tòa án.

[...]