Nghị quyết 22/2009/NQ-HĐND về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015

Số hiệu 22/2009/NQ-HĐND
Ngày ban hành 16/12/2009
Ngày có hiệu lực 26/12/2009
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Hoàng Xuân Lộc
Lĩnh vực Giáo dục

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2009/NQ-HĐND

Yên Bái, ngày 16 tháng 12 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ XÂY DỰNG TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHOÁ XVI - KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 3/12/2004;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 27 tháng 6 năm 2005;

Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg ngày 05/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Trung Du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010;

Sau khi xem xét Tờ trình số 185/TTr-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân phê duyệt Đề án “Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015”; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015” với các nội dung sau :

1. Phạm vi áp dụng

Nghị quyết này được áp dụng đối với những trường phổ thông ở khu vực vùng khó khăn, có học sinh nội trú dân nuôi. Học sinh nội trú dân nuôi là những học sinh gia đình ở xa trường, giao thông đi lại khó khăn, không thể đi, về trong ngày, được tổ chức ăn, ở, sinh hoạt và học tập tại trường.

2. Mục tiêu

Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú nhằm huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, tạo nền móng vững chắc cho phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 72 trường phổ thông dân tộc bán trú, với quy mô trên 7.000 học sinh nội trú dân nuôi. Được phân bổ ở các địa phương như sau: Mù Cang Chải 22 trường; Văn Chấn 14 trường; Văn Yên 13 trường; Trạm Tấu 11 trường; Lục Yên 6 trường; Trấn Yên 4 trường; Yên Bình 2 trường.

3. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

3.1. Trường phổ thông dân tộc bán trú được tổ chức và hoạt động theo quy định của Điều lệ trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Ngoài các hoạt động như các trường phổ thông khác, nhà trường có thêm nhiệm vụ: Tổ chức đời sống vật chất, tinh thần và hướng dẫn học sinh nội trú tự học ngoài giờ lên lớp.

3.2. Các trường phổ thông dân tộc bán trú được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị như các trường phổ thông khác theo quy định đối với trường chuẩn quốc gia, ngoài ra còn được đầu tư xây dựng cơ sở nội trú. Trong giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh sẽ thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, vốn xây dựng cơ bản tập trung của địa phương và nguồn tài chính hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ cho học sinh nội trú như: Phòng ở, bếp ăn, nước sạch, công trình vệ sinh. Riêng năm 2010, ưu tiên tập trung đầu tư cho các địa phương đã có học sinh nội trú nhưng chưa có cơ sở vật chất hoặc có cơ sở vật chất nhưng còn khó khăn. Các địa phương có trường phổ thông dân tộc bán trú, tiến hành quy hoạch quỹ đất, xây dựng kế hoạch tổng thể, lập, trình, phê duyệt dự án theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân tỉnh trong quá trình phê duyệt Đề án, căn cứ vào điều kiện thực tế ở từng địa phương để xác định hình thức đầu tư theo hướng kiên cố hoặc bán kiên cố, nhằm đảm bảo hiệu quà sử dụng và sự bền vững của các công trình.

3.3. Hàng năm Ngân sách tỉnh cân đối bố trí kinh phí hỗ trợ cho hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, để thực hiện nhiệm vụ đặc thù (quản lý và tổ chức các hoạt động cho học sinh nội trú). Kinh phí hỗ trợ cho các trường được xác định theo số học sinh nội trú dân nuôi. Mức hỗ trợ bình quân là 195.000 đồng/học sinh/năm học. Cách tính: cứ 30 học sinh nội trú dân nuôi, bố trí 01 nhân viên phục vụ, hưởng mức lương tối thiểu (650.000 đồng) và cấp theo năm học (9 tháng/năm). Mức chi hỗ trợ bình quân cho 01 học sinh/năm học = 650.000 đồng x 9 tháng : 30 học sinh = 195.000 đồng. Mức hỗ trợ này, được điều chỉnh tăng theo mức lương tối thiểu của nhà nước quy định.

3.4. Từ năm học 2010 - 2011, các trường phổ thông dân tộc bán trú được áp dụng định mức biên chế theo quy định tại Thông tư 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Nội vụ về việc Hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Ngành giáo dục đào tạo trong quá trình tuyển dụng biên chế cần ưu tiên tuyển dụng giáo viên là người dân tộc địa phương, để xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt trong các trường phổ thông dân tộc bán trú.

3.5. Xác định việc xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phát triển giáo dục đào tạo của địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về quyền lợi, trách nhiệm và ý nghĩa của việc xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú. Huy động các lực lượng xã hội, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ công chức, nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở nội trú. Nâng cao trách nhiệm của phụ huynh học sinh trong việc huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; cung cấp lương thực, thực phẩm cho con em mình; phối hợp chặt chẽ với nhà trường tổ chức tốt các hoạt động cho học sinh.

3.6. Tăng cường công tác chỉ đạo chuyên môn trong hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tổ chức tốt việc học tập, ăn, ở, sinh hoạt, lao động, hoạt động văn hoa, thể thao cho học sinh. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Điều 2. Giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khoá XVI, kỳ họp thứ 16 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Hoàng Xuân Lộc

 

[...]