Nghị quyết 93/2019/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận do Quốc hội ban hành
Số hiệu | 93/2019/QH14 |
Ngày ban hành | 26/11/2019 |
Ngày có hiệu lực | 26/11/2019 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Quốc hội |
Người ký | Nguyễn Thị Kim Ngân |
Lĩnh vực | Đầu tư |
QUỐC HỘI |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nghị quyết số: 93/2019/QH14 |
Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2019 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN HỒ CHỨA NƯỚC KA PÉT, HUYỆN HÀM THUẬN NAM, TỈNH BÌNH THUẬN
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 477/TTr-CP ngày 11 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra số 1541/BC-UBKHCNMT14 ngày 22 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý số 495/BC-UBTVQH14 ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1
Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Điều 2
1. Mục tiêu Dự án: cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.
2. Quy mô của Dự án:
a) Hồ điều tiết dung tích toàn bộ Wtb = 51,21 triệu m3, dung tích hữu ích Whi = 47,41 triệu m3, dung tích chết Wc = 3,8 triệu m3.
b) Hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác.
3. Tổng diện tích sử dụng đất của Dự án là 693,31 ha, trong đó diện tích có rừng là 680,41 ha (bao gồm: chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng là 162,55 ha; rừng phòng hộ là 0,91 ha; rừng sản xuất là 471,09 ha; rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 45,85 ha) và diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12,9 ha.
4. Tổng mức đầu tư của dự án là 585,647 tỷ đồng.
5. Nguồn vốn:
a) Giai đoạn 2016 - 2020 là 186,502 tỷ đồng, bao gồm: nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 là 50 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 là 136,502 tỷ đồng.
b) Giai đoạn sau năm 2020 là 399,145 tỷ đồng, được cân đối từ nguồn vốn ngân sách nhà nước của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025.
6. Thời gian thực hiện Dự án: từ 2019 - 2024.
Điều 3
Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công và đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Hạn chế tác động đến môi trường, hệ sinh thái do hoạt động xây dựng; bảo đảm an toàn và hiệu quả kinh tế; chất lượng công trình và thời gian thực hiện.
2. Trồng rừng thay thế phù hợp điều kiện lâm sinh và đa dạng sinh học đối với diện tích rừng trồng mới trong Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu.
Điều 4
Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.