Nghị quyết 92/NQ-HĐND năm 2022 về giám sát tình hình vận động, quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Số hiệu 92/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2022
Ngày có hiệu lực 09/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Nguyễn Đăng Quang
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ GIÁM SÁT TÌNH HÌNH VẬN ĐỘNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN ODA, VỐN VAY ƯU ĐÃI NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ngày 04/12/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/202022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND;

Sau khi xem xét Báo cáo số 351/BC-HĐND ngày 29/11/2022 của Thường trực HĐND tỉnh về giám sát tình hình vận động, quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về giám sát tình hình vận động, quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 2. Để việc vận động, quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có hiệu quả, đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Quản lý nợ công và các quy định pháp luật có liên quan, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh thực hiện các giải pháp sau:

1. Tập trung giải quyết các điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, tái định cư, giá nhân công, vật liệu tăng cao và thiếu các mỏ đất làm vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng hạ tầng giao thông của các công trình sử dụng vốn ODA.

2. Thực hiện các giải pháp để cơ sở dữ liệu đất đai của Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai được kết nối liên thông với các ngành, các địa phương do đây là tài nguyên dùng chung, xác định nguồn gốc đất đai góp phần công khai minh bạch trong việc giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công thực hiện Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2 - Tiểu dự án tỉnh Quảng Trị.

3. Đối với Dự án phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS): Khẩn trương giải quyết vướng mắc để thi công đường hai đầu cầu Dây Văng bắc qua sông Hiếu; sớm phê duyệt Quy hoạch chung thành phố Đông Hà. Chỉ đạo UBND thành phố Đông Hà, UBND huyện Hướng Hóa đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ các vướng mắc về giải phóng mặt bằng; trường hợp những tuyến, đoạn tuyến đến ngày 31/12/2022 mà địa phương không giải phóng mặt bằng được thì thực hiện thi công theo hiện trạng để kết thúc dự án, phần còn lại giao cho UBND thành phố Đông Hà, UBND huyện Hướng Hóa chủ động bố trí từ ngân sách địa phương đã phân cấp quản lý để đầu tư hoàn thành theo thiết kế được duyệt.

4. Đối với Dự án hạ tầng cơ bản cho Phát triển toàn diện tỉnh Quảng Trị (BIIG2): Chỉ đạo chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh (đơn vị ủy thác quản lý dự án) thường xuyên kiểm tra, rà soát đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời cập nhật tiến độ thi công của các nhà thầu theo mặt bằng đã được bàn giao; thực hiện giám sát chặt chẽ quá trình thi công, nếu vi phạm hợp đồng thì kiên quyết chấm dứt hợp đồng theo quy định. Chỉ đạo UBND các huyện vùng dự án (chủ đầu tư hợp phần giải phóng mặt bằng) đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, trường hợp có những tuyến hoặc đoạn tuyến khó khăn về giải phóng mặt bằng thì thực hiện cắt giảm để chuyển vốn sang bổ sung cho các hạng mục mới.

5. Chỉ đạo chủ động công bố giá đất làm vật liệu xây dựng; đồng thời kiểm tra cập nhật giá vật liệu xây dựng sát với giá thị trường, đặc biệt là cát xây dựng để góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng trên địa bàn.

6. Xây dựng và trình HĐND tỉnh xem xét quyết định về cơ chế sử dụng nguồn lực đầu tư thay thế khi hết thời gian thực hiện đối với các công trình, dự án do Chính phủ Italia tài trợ (Dự án nâng cấp cơ sở vật chất ngành y tế trong đó có các công trình Trạm Y tế xã: Hải Lâm, Hải Sơn và thị trấn Hải Lăng; Dự án Hệ thống cấp nước xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng và Dự án Hệ thống cấp nước xã Vĩnh Long - Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh) sau khi được Chính phủ cho phép tái cấu trúc dự án đầu tư.

7. Quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi:

- Rà soát khả năng thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA để chủ động đề xuất điều chỉnh kế hoạch bố trí vốn đối ứng trung hạn 2021-2025; đề suất điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết số 155/NQ-HĐND ngày 09/12/2021, đảm bảo mức dư nợ cuối kỳ theo quy định để đề xuất một số dự án mới đủ điều kiện vay lại;

- Vận động, thu hút các dự án mới sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài phải phù hợp với điều kiện ngân sách tỉnh, khả năng trả nợ gốc, phí, lãi vay; trần nợ vay theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách; Ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu; đảm bảo đúng mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò dẫn dắt, lan tỏa tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững;

- Rà soát kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách địa phương theo phương án cân đối đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA, vốn vay ưu đãi (phần kế hoạch vốn địa phương vay lại), bố trí đủ các khoản trả nợ gốc, các khoản vay đến hạn, nhằm đảm bảo an toàn nợ chính quyền địa phương (nợ công) và bảo đảm chủ động nguồn trả nợ gốc đầy đủ, đúng hạn.

8. Xây dựng dự toán ngân sách tỉnh hàng năm có phương án vay để trả nợ gốc. Phần vay được ưu tiên bố trí chi trả nợ gốc đến hạn và bù lại nguồn cho chi đầu tư phát triển trong khoản vay theo kế hoạch; chỉ giải ngân thanh toán số vốn đầu tư này sau khi đã thực hiện được khoản vay. Trường hợp không vay được theo kế hoạch hoặc chỉ vay được một phần theo kế hoạch, thì phải bố trí giảm nguồn vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách địa phương để trả nợ gốc đầy đủ, đúng hạn.

9. Bội chi ngân sách địa phương chỉ sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND cấp tỉnh quyết định theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước 2015. Việc phân bổ, giao vốn thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương đảm bảo phù hợp với tiến độ thực hiện dự án, khả năng vay và giới hạn mức vay được giao.

10. Chỉ đạo các địa phương chịu trách nhiệm bố trí ngân sách, nhân lực để giải phóng mặt bằng các tiểu dự án/dự án có liên quan trên địa bàn cấp huyện.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết và báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết với HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2023.

2. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết.

3. Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII, kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.

[...]