Nghị quyết 78/NQ-HĐND năm 2022 về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 78/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2022
Ngày có hiệu lực 09/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Dương Văn Trang
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/NQ-HĐND

Kon Tum, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA XII KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Xét Tờ trình số 197/TTr-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; Báo cáo số 394/BC-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2022 và Báo cáo số 400/BC-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến thảo luận Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Trong năm 2022, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu năm 2022 và giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo động lực đột phá để khôi phục và phát triển kinh tế sớm nhất. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả (dự kiến đến cuối năm cơ bản các chỉ tiêu chủ yếu năm 2022 được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 đều đạt và vượt): Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 9,5%; GRDP bình quân đầu người vượt kế hoạch; tổng vốn đầu tư toàn xã hội vượt kế hoạch; thu ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ và đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu quan trọng của tỉnh tăng cao so với cùng kỳ: tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công; số doanh nghiệp, số hợp tác xã thành lập mới; kim ngạch xuất khẩu; tổng lượng khách du lịch, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, các cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục được tập trung phát triển;... môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được chú trọng; các chế độ, chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm, đầu tư; tình hình dịch bệnh tương đối ổn định, kiểm soát tốt; chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo quyết liệt; công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp được triển khai quyết liệt; kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vướng mắc trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp chậm được giải quyết. Dịch bệnh xuất hiện trên cây Sâm Ngọc Linh gây thiệt hại lớn cho các hộ dân. Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn xảy ra, có những vụ vi phạm với khối lượng lớn; vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu thông thường. Công tác thu hút đầu tư vào khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng của tỉnh còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công một số dự án còn thấp. Kết quả cải cách hành chính; môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh chưa được cải thiện. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt thấp hơn so với năm trước. Công tác giáo dục, đào tạo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tỷ lệ chuyên cần của học sinh dân tộc thiểu số chưa đảm bảo, nhất là ở thời điểm mùa vụ nông nghiệp. Vẫn còn có nơi chậm chi trả chế độ hỗ trợ bán trú, chi phí học tập cho học sinh cũng như chế độ đứng lớp cho giáo viên.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nói trên chủ yếu là: Giá cả một số mặt hàng vật tư nông nghiệp tăng cao, một số loại nông sản khó khăn trong công tác tiêu thụ. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ; nguồn thu ngân sách nhà nước thấp nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp còn hạn chế, thiếu đồng bộ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư từ bên ngoài. Các dự án trọng điểm có quy mô thu hồi đất lớn, đối tượng phải thu hồi đất nhiều, tính chất phức tạp; đơn giá bồi thường, giải phóng mặt bằng còn bất cập, chưa tạo được sự đồng thuận của người dân vùng bị ảnh hưởng. Việc Trung ương giao vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia chậm đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh. Một số đơn vị, địa phương chưa thật sự chủ động, quyết liệt, sâu sát trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Chất lượng hồ sơ một số dự án chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của dự án, trong quá trình triển khai vẫn còn điều chỉnh, bổ sung nhiều lần... làm chậm tiến độ thực hiện dự án; Trình độ năng lực, kinh nghiệm của một số đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và chủ đầu tư còn hạn chế; Còn chậm trễ trong công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, chậm trễ trong công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ.... Công tác tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng chưa đồng bộ, thiếu giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện nên hiệu quả chưa cao. Trách nhiệm của một số cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và chủ rừng có lúc, có nơi chưa cao. Công tác quản lý xây dựng, khoáng sản một số địa phương còn hạn chế.

Điều 2. Về mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2023

1. Mục tiêu tổng quát

Huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến; đầu tư phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ và tăng cường cải cách hành chính; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%, với cơ cấu hợp lý. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp; khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của Nhân dân; Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ.

2. Chỉ tiêu chủ yếu năm 2023

a) Về kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt từ 10% trở lên.

- Cơ cấu kinh tế: Khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản 19-20%; Khu vực Công nghiệp và Xây dựng: 31-32%; Khu vực Dịch vụ: 41-42%.

- GRDP bình quân đầu người trên 57 triệu đồng.

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 4.500 tỷ đồng.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 27.000 tỷ đồng trở lên (trong đó vốn đầu tư khu vực tư nhân 20.400 tỷ đồng).

- Thành lập mới 360 doanh nghiệp.

- Giá trị xuất khẩu 290 triệu USD.

- Diện tích cây ăn quả trồng mới 1.100 ha; diện tích cây Mắc Ca trồng mới 1.000 ha; diện tích Sâm Ngọc Linh trồng mới 500 ha; các cây dược liệu khác trồng mới 900 ha.

- Xây dựng thêm 03 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.

- Tổng đàn bò 85.000 con; tổng đàn trâu 24.100 con.

- Trồng mới trên 4.000 ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng (có tính cây cao su) đạt 63,12%.

- Phấn đấu có thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

[...]