Nghị quyết 74/2016/NQ-HĐND phê duyệt Đề án giảm thiểu tai nạn giao thông giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số hiệu | 74/2016/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 09/12/2016 |
Ngày có hiệu lực | 19/12/2016 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Người ký | Nguyễn Hồng Lĩnh |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 74/2016/NQ-HĐND |
Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 09 tháng 12 năm 2016 |
NGHỊ QUYẾT
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIẢM THIỂU TAI NẠN GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
KHÓA VI, KỲ HỌP THỨ BA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, bổ sung ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi, bổ sung ngày 17 ngày 6 tháng 2014;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Xét Tờ trình số 194/TTr-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Đề án giảm thiểu tai nạn giao thông giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Báo cáo thẩm tra số 180/BC-BPC ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt Đề án giảm thiểu tai nạn giao thông giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cụ thể như sau:
I. Mục tiêu Đề án giai đoạn 2017-2021:
1. Giảm thiểu tai nạn giao thông một cách bền vững và tiến tới xây dựng một môi trường sống an toàn như cộng đồng xã hội mong muốn với một xã hội giao thông văn minh, hiện đại và không tai nạn giao thông.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền cả chiều rộng và chiều sâu đến mọi tầng lớp nhân dân, chú trọng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi có ít thông tin về pháp luật an toàn giao thông để người dân hiểu, đồng thuận và nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
3. Tăng cường chức năng và năng lực của các tổ chức liên quan trong lĩnh vực an toàn giao thông; xây dựng và phát triển các quy định mới cần thiết để duy trì các biện pháp an toàn giao thông lâu dài mang tính bền vững.
4. Giảm số người chết do tai nạn giao thông trên 10.000 phương tiện xuống dưới 02 người vào năm 2021.
5. Thiết lập hệ thống quản lý an toàn giao thông hiệu quả, bảo đảm tính khoa học, hợp lý ở tất cả các điểm giao cắt, các điểm có mật độ giao thông cao nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa từng bước được đầu tư xây dựng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu về an toàn giao thông. Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông vận tải.
6. Phát triển hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em tại các tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
7. Bảo đảm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu về an toàn giao thông đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý về an toàn giao thông.
8. Áp dụng tiêu chí “văn hóa giao thông” trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
II. Kinh phí thực hiện Đề án:
1. Kinh phí thực hiện Đề án của các cơ quan, sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông cho 05 năm (2017-2021) dự kiến là: 69,3 tỷ đồng (sáu mươi chín tỷ, ba trăm triệu đồng). Mỗi năm thực hiện khoảng 08 đến 10 chương trình khác nhau.
2. Trong quá trình thực hiện tùy theo thực tế phát triển của xã hội sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp với Kế hoạch triển khai Đề án.
III. Giải pháp thực hiện Đề án:
1. Tập trung vào công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông trên cơ sở phối kết hợp giữa các ban, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị-xã hội. Đi sâu tuyên truyền vào các vùng sâu, vùng xa, nơi mà điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, đời sống còn khó khăn, nên sự hiểu biết về pháp luật trật tự an toàn giao thông còn hạn chế.
2. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
3. Nâng cao hiệu quả an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
4. Thiết lập hệ thống giám sát camera thông minh, thống kê, phân tích tai nạn giao thông nhằm đề xuất những giải pháp hữu hiệu kiềm chế tai nạn giao thông.