Nghị quyết 73/2024/NQ-HĐND quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 73/2024/NQ-HĐND
Ngày ban hành 11/07/2024
Ngày có hiệu lực 21/07/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Hải Châu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/2024/NQ-HĐND

Quảng Bình, ngày 11 tháng 7 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
KHÓA XVIII KỲ HỌP THỨ 17

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10 tháng 11 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;

Xét Tờ trình số 1211/TTr-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định các biện pháp đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức có sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.

b) Công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại các địa phương, cơ quan, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức có sử dụng lao động.

c) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Điều 2. Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở

1. Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

a) Quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm.

b) Cán bộ, công chức, viên chức chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết để đảm bảo thực hiện tốt đường lối, chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

a) Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phổ biến giáo dục pháp luật hằng năm có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

b) Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng nhiều hình thức phù hợp như: tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; các cuộc họp của cơ quan, cuộc họp của thôn, tổ dân phố; các lớp bồi dưỡng, tập huấn... đảm bảo thực chất, hiệu quả tạo sức lan toả trong nhân dân.

c) Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nghiên cứu đặc điểm, tình hình địa bàn, đối tượng cần được tuyên truyền pháp luật để có nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp.

3. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

a) Tổ chức thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân, quan tâm giải quyết kịp thời đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân theo quy định pháp luật; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị với người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

b) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức chịu trách nhiệm ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, tổ chức; chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện; đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân kiến nghị, phản ánh trong phạm vi lãnh đạo, quản lý. Lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm của cơ quan, đơn vị, tổ chức và người đứng đầu.

c) Triển khai rà soát, đánh giá, kịp thời sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy chế, quy ước, hương ước về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

d) Nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở địa phương.

[...]