Nghị quyết 08/2024/NQ-HĐND quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 08/2024/NQ-HĐND
Ngày ban hành 23/07/2024
Ngày có hiệu lực 05/08/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Đoàn Thị Hậu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2024/NQ-HĐND

Lạng Sơn, ngày 23 tháng 7 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI BẢY

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10 tháng 11 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;

Căn cứ Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư;

Xét Tờ trình số 123/TTr-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định nguyên tắc, mục tiêu và các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức có sử dụng lao động (gọi tắt là tổ chức) trên địa bàn tỉnh;

b) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh;

c) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Điều 2. Nguyên tắc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở

1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, quản lý của chính quyền; vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo đảm đúng các quy định của pháp luật.

2. Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở.

3. Bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.

4. Thực hiện dân chủ ở cơ sở phải thường xuyên, liên tục; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

5. Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở phải kịp thời, nghiêm túc, phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; gắn thực hiện dân chủ ở cơ sở với công tác cải cách hành chính và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Điều 3. Mục tiêu thực hiện dân chủ ở cơ sở

1. 100% người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; thành viên Ban Thanh tra nhân dân, thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện dân chủ ở cơ sở; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Tổ soạn thảo hương ước, quy ước được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.

2. 100% cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương thực hiện tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

3. 100% cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương phổ biến, triển khai và tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

4. 100% cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; thôn, tổ dân phố ban hành hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10 tháng 11 năm 2022, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

5. 100% cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và phát huy hiệu quả hoạt động tại cơ sở.

[...]