Nghị quyết 66/NQ-HĐND năm 2022 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 do tỉnh Long An ban hành

Số hiệu 66/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2022
Ngày có hiệu lực 10/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Nguyễn Văn Được
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 66/NQ-HĐND

Long An, ngày 10 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2023

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Trên cơ sở xem xét các báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), các Ban của HĐND, Ủy ban nhân dân (UBND), Tòa án nhân dân (TAND), Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (VKSND), Cục Thi hành án Dân sự tỉnh (CTHADS) và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Về hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục thi hành án dân sự tỉnh năm 2022

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Cục thi hành án dân sự tỉnh trình tại kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X. Giao các cơ quan trên tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu tham dự kỳ họp để bổ sung, hoàn chỉnh các báo cáo và tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 2. Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023

I. Đánh giá khái quát tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của UBND tỉnh và báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh, cụ thể như sau:

Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động, phức tạp, nhất là cuộc xung đột tại Ucraina, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, giá dầu thô, hàng hóa cơ bản tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, đối tác lớn. Cả nước, trong tỉnh thì dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng giá xăng dầu, chi phí đầu vào, vận tải tăng cao,... ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Trước tình hình đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm cao, nỗ lực, hành động quyết liệt, linh hoạt và phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh trong tình hình mới, tập trung thực hiện tốt chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ. Qua đó, triển khai thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh năm 2022 đạt kết quả khả quan trên các lĩnh vực, có 20/20 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, nổi bật là:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 tăng khá cao, tăng 8,46% (vượt kế hoạch đề ra, kế hoạch 6,5-7,0%), cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế tỉnh sau thời gian bị tác động của dịch bệnh Covid-19. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được tập trung chỉ đạo chặt chẽ; chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn; các cây trồng chủ lực của tỉnh phát triển ổn định (trừ cây thanh long); nuôi trồng thủy sản tiếp tục đem lại hiệu quả, diện tích và sản lượng tăng so với cùng kỳ, giá tôm, cá tra thương phẩm ổn định. Công nghiệp và xây dựng có nhiều tín hiệu tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập tăng khá, điều này chứng tỏ các doanh nghiệp dần phục hồi và chuỗi cung ứng toàn cầu dần kết nối lại.

- Hoạt động xúc tiến đầu tư được tập trung thực hiện; định kỳ hàng tháng tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn; tổ chức các chuyến xúc tiến đầu tư ở các nước Nhật, Hàn Quốc, Úc..; một số chỉ tiêu thu hút đầu tư tăng khá so với cùng kỳ như doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn đầu tư trong nước. Hoạt động thương mại - dịch vụ phục hồi mạnh mẽ; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tăng 22,9%; hàng hóa cung ứng phong phú, dồi dào với giá cả ổn định; hoạt động xúc tiến thương mại, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường. Đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, tỷ lệ giải ngân cao hơn so với cùng kỳ, đạt mức khá so với các địa phương khác trên cả nước (đứng thứ 12/63 tỉnh, thành trong cả nước). Nội dung quy hoạch tỉnh được 100% thành viên Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua; là địa phương thứ 9/63 tỉnh/thành trên cả nước đủ điều kiện tổ chức thẩm định. Công tác quản lý, điều hành ngân sách được tập trung triển khai quyết liệt, thu ngân sách tăng 12,7% so với cùng kỳ; chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả. Tổ chức thành công tuần lễ văn hóa - du lịch tỉnh Long An, đóng góp thiết thực vào việc quảng bá hình ảnh, con người Long An; tập trung tăng cường nguồn lực cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân... Các hoạt động văn hóa xã hội được tập trung triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả khả quan; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, người có công. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh năm 2022 còn một số khó khăn, hạn chế; cụ thể như sau:

- Dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi còn xảy ra, ảnh hưởng đến tái đàn và phát triển đàn. Tình hình tiêu thụ nông sản chưa ổn định, mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh do phía Trung Quốc đóng cửa khẩu nhằm thực hiện “zero Covid”. Giá vật tư đầu vào, thuê máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất và giảm lợi nhuận của người dân, nhiều diện tích sản xuất lúa hè thu nông dân bỏ vụ không sản xuất (4.000 ha). Mặc dù được tích cực hỗ trợ nhưng năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã còn thấp; các hợp tác xã ngưng hoạt động chậm được giải thể.

- Giá vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu và chi phí vận chuyển, lãi suất tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tiến độ đầu tư hạ tầng trong khu, cụm công nghiệp được quan tâm tập trung thực hiện nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng chưa đạt yêu cầu đề ra. Đầu tư công tiến độ ở một số dự án còn chậm, khối lượng thực hiện và giải ngân chưa đạt như kỳ vọng.

- Dịch bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tình trạng y bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ việc gia tăng, cơ chế thu hút và đãi ngộ đối với đội ngũ y bác sĩ khu vực công chưa tương xứng. Công tác định hướng, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, đào tạo nghề còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo còn bất cập; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu. Tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến phải cắt giảm lao động đang có xu hướng tăng cao trên địa bàn tỉnh. An ninh, trật tự, an toàn xã hội có mặt chưa bảo đảm. Tình hình an ninh công nhân còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp; nhất là các vấn đề có liên quan đến việc cắt giảm lao động, nợ lương, giải quyết chế độ chính sách cho người lao động... Việc giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân có việc còn chậm, chưa giải quyết triệt để, kéo dài.

II. Mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung phát triển kinh tế bền vững; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tỉnh; huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả các chương trình đột phá, công trình trọng điểm. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường xã hội hóa trên các lĩnh vực; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo các hoạt động đối ngoại.

2. Chỉ tiêu chủ yếu

2.1. Về kinh tế:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) (giá so sánh năm 2010) đạt 8,0-8,5%. Sản lượng lúa năm 2023 đạt 2,7 triệu tấn; trong đó sản lượng lúa chất lượng cao chiếm 65% tổng sản lượng. Tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân đầu người năm 2023 đạt 95-100 triệu đồng. Tỷ lệ vốn đầu tư xã hội trên GRDP đạt bình quân 31- 33%. Thu ngân sách nhà nước tăng 12% so với năm 2022. Tỷ lệ chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách cao hơn năm 2022.

2.2. Về xã hội:

Số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 thêm 09 xã. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thêm 12 xã và 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí văn hóa, nông thôn mới đến năm 2023 đạt trên 77,1%. Có thêm 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 55,5%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%. Số bác sĩ/vạn dân: 9 bác sĩ. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi đạt 17,3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%; trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 33%. Giảm 15% số hộ nghèo theo tiêu chí mới so với đầu năm 2023. Tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn tỉnh là là 99,97%.

2.3. Về môi trường:

[...]