Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị quyết 61/2016/NQ-HĐND điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 61/2016/NQ-HĐND
Ngày ban hành 19/12/2016
Ngày có hiệu lực 29/12/2016
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Đặng Tuyết Em
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/2016/NQ-HĐND

Kiên Giang, ngày 19 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP - NÔNG THÔN GẮN VỚI CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH KIÊN GIANG  ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ BA

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Xét Tờ trình số 183/TTr-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp - nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 67/BC-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân thông qua điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm điều chỉnh quy hoạch

1. Tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế các tiểu vùng sinh thái phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao với các sản phẩm chủ lực là lúa gạo và thủy sản. Chú trọng chuyển đổi cơ cấu sản xuất hiệu quả, chất lượng cao với các mô hình sản xuất luân canh lúa - màu, lúa - tôm, lúa - cá. Xây dựng vùng lúa chuyên canh tập trung chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn. Phát triển vùng cây ăn trái, sản xuất rau màu, đặc biệt là rau sạch ở các vùng ven đô thị, khu du lịch. Địa bàn Phú Quốc tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao để tạo cảnh quan du lịch.

2. Ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm làm giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông nghiệp, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động và không ngừng phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã và kinh tế trang trại trong sản xuất nông nghiệp, làm chủ thể để liên kết với các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Tiếp cận với dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, liên kết với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản xuất có hiệu quả cao và bền vững.

3. Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân và chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng công tác trồng rừng phòng hộ ven biển, giữ ổn định diện tích rừng đặc dụng trong Vườn Quốc gia Phú Quốc, U Minh Thượng, khu vực Hòn Chông - Kiên Lương; tăng tỷ lệ rừng kinh tế trong tổng diện tích rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng; tăng cường trồng cây phân tán… để thích ứng với biến đổi khí hậu.

II. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu chung

- Điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp - nông thôn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông thủy sản và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và suy giảm nguồn nước ngọt.

- Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại theo hướng tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững, dựa trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh gắn nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu; áp dụng khoa học - công nghệ, làm ra sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và khả năng cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường quốc tế; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, lao động và nguồn vốn; tăng nhanh thu nhập và đời sống của nông dân.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Từ nay đến năm 2020

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất: Toàn ngành 5,6%/năm, nông nghiệp 3,6%/năm, lâm nghiệp 1,7%/năm, thủy sản 8,1%/năm. Trong nội bộ ngành nông nghiệp: Trồng trọt 2,2%/năm, chăn nuôi 9,4%/năm, dịch vụ 8,5%.

- Cơ cấu giá trị sản xuất: Nông nghiệp 49,1%, lâm nghiệp 0,5% và thủy sản 50,4%; trồng trọt 67,4%, chăn nuôi 15,3% và dịch vụ nông nghiệp 17,2%.

- Năm 2020, sản lượng lương thực đạt 5,1 triệu tấn, trong đó, sản lượng lúa đạt 5 triệu tấn. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 755.505 tấn, trong đó: Nuôi trồng thủy sản 265.505 tấn, riêng nuôi tôm đạt 80.000 tấn.

- Giá trị sản lượng bình quân trên 01ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 130 triệu đồng, trong đó giá trị sản lượng bình quân trồng trọt đạt 100 triệu đồng/ha.

- Tiếp tục hoàn thiện các xã, huyện đã đạt tiêu chí, tăng tỷ lệ xã đạt nông thôn mới lên 50% (59/118 xã) và xây dựng thêm 02 huyện đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới. Các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 12%.

b) Tầm nhìn đến năm 2030

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất: Toàn ngành 4,5 - 5,0%/năm, nông nghiệp 3,5%/năm, lâm nghiệp 2,0 - 2,5%/năm, thủy sản 6,0 - 6,5%/năm; trồng trọt 1,7 -2,0%/năm, chăn nuôi 5,0 - 5,5%/năm, dịch vụ nông nghiệp 8,0 - 8,5%.

- Cơ cấu giá trị sản xuất: Nông nghiệp 41,1%, lâm nghiệp 0,5% và thủy sản 58,4%; trồng trọt 65%, chăn nuôi 16% và dịch vụ nông nghiệp 19%.

[...]