Nghị quyết 57/NQ-HĐND năm 2022 về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương năm 2023 do tỉnh Đắk Nông ban hành

Số hiệu 57/NQ-HĐND
Ngày ban hành 14/12/2022
Ngày có hiệu lực 14/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Lưu Văn Trung
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/NQ-HĐND

Đắk Nông, ngày 14 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN; THU, CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2023

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
KHÓA IV, KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ ban hành Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hàng năm;

Căn cứ Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023;

Căn cứ Quyết định số 2566/QĐ-BTC ngày 07 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023;

Xét Báo cáo s659/BC-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi năm 2022 và xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Báo cáo s 762/BC-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thuyết minh, giải trình và bổ sung nội dung, biểu mẫu theo ý kiến thẩm tra đối với dự thảo Nghị quyết dự toán thu, chi NSNN trên địa bàn; thu, chi NSĐP năm 2023 và dự thảo Nghị quyết phân bổ ngân sách tỉnh năm 2023; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương năm 2023 như sau:

11. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 3.650.000 triệu đồng (Ba ngàn sáu trăm năm mươi tỷ đồng), chi tiết như Biểu số 16 kèm theo.

2. Tổng thu ngân sách địa phương là 9.109.593 triệu đồng (Chín ngàn một trăm lẻ chín tỷ, năm trăm chín mươi ba triệu đồng), chi tiết như Biểu số 15 kèm theo.

3. Chi ngân sách địa phương năm 2023:

a) Thống nhất các nguyên tắc phân bổ chi ngân sách địa phương theo Báo cáo số 659/BC-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Tổng chi ngân sách địa phương là 9.156.793 triệu đồng (Chín ngàn một trăm năm mươi sáu tỷ, bảy trăm chín mươi ba triệu đồng), chi tiết như Biểu số 17 kèm theo.

4. Bội chi ngân sách địa phương là 47.200 triệu đồng (Bn mươi bảy t, hai trăm triệu đồng), chi tiết như Biểu số 18 kèm theo.

Điều 2. Các giải pháp thực hiện dự toán thu, chi ngân sách năm 2023

Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện một số giải pháp thực hiện dự toán thu, chi ngân sách năm 2023, cụ thể như sau:

1. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng các thế mạnh và tiềm năng của địa phương để khai thác nguồn thu mới, tạo nguồn thu bền vững.

2. Tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN, quyết tâm thu đạt và phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu NSNN được giao. Theo đó:

a) Tăng trưởng kinh tế phản ánh năng lực hoạt động của nền kinh tế và có quan hệ mật thiết với thu NSNN nên khi tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch cũng ảnh hưởng tới số thu NSNN, do đó đặt ra yêu cầu về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì mới có cơ sở để tăng thu ngân sách, góp phần hoàn thành mục tiêu thu NSNN đề ra.

b) Các Sở, ngành, chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu trên địa bàn. Đặc biệt là các khoản thu lớn, các khoản thu mới phát sinh, các khoản thu cần sự phối hợp của nhiều ngành như các khoản thu từ đất. Giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ thu đối với khoản thu từ thuế, phí, lệ phí, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thu khác ngân sách...

c) Thực hiện công tác thống kê, rà soát sắp xếp lại, xử lý tài sản công để cho thuê hoặc đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Tổ chức kiểm tra theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tăng thu tiền sử dụng đất đối với đất ở, nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các khu đất để giao đất tái định cư, tập trung cao độ công tác đấu giá đất, giao đất.

d) Cơ quan thuế cần tập trung vào các giải pháp quản lý thu, trong đó chú trọng:

- Tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; duy trì và tăng cường hoạt động chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế tại địa phương; thực hiện kịp thời các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra liên quan đến thu ngân sách (nếu có).

- Thực hiện rà soát để tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp có trụ sở ở địa phương khác nhưng phát sinh hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện khai và nộp thuế cho ngân sách tỉnh.

e) Nhằm tăng thu cho ngân sách, tránh thất thoát các nguồn thu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế ủy nhiệm cho Kho bạc Nhà nước thu thuế giá trị gia tăng của các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn khi thực hiện thanh toán vốn đầu tư; đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ chế trích kinh phí để chi trả cho các đối tượng có liên quan đến công tác thu vượt dự toán (trên cơ sở Quy chế phối hợp). Phần trích hỗ trợ chi phí này giao cho cơ quan tài chính trình các cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ một các hợp lý trên cơ sở số thu vượt dự toán và số chi phí phục vụ công tác thu hàng năm.

[...]