Quyết định 101/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 101/QĐ-TTg
Ngày ban hành 25/01/2024
Ngày có hiệu lực 25/01/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 101/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHỤ NỮ, HÒA BÌNH VÀ AN NINH GIAI ĐOẠN 2024 - 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bình đẳng giới ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị quyết số 130/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc;

Căn cứ Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động) với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia và trên phạm vi quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Mục tiêu 1: Tăng cường sự tham gia đầy đủ, bình đẳng, có ý nghĩa của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và xử lý, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống của quốc gia, cũng như trong gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế:

- Tăng cường số lượng, tỷ lệ cán bộ nữ trong tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, tại các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp. Hỗ trợ triển khai hiệu quả các chỉ tiêu về bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”: đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù có tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thấp dưới 30% có thể điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với thực tiễn cơ quan, đơn vị; tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030;

- Tăng cường vai trò, sự tham gia của phụ nữ Việt Nam trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc;

- Tăng cường hơn nữa tiếng nói, chất lượng tham gia của phụ nữ trong các cơ chế quốc gia ứng phó với sự cố, thảm họa, các thách thức an ninh phi truyền thống.

b) Mục tiêu 2: Phòng ngừa và ứng phó tốt hơn với bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh sự cố, thảm họa và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống:

- Nâng cao năng lực của phụ nữ trong phòng ngừa và ứng phó với bạo trên cơ sở giới trong bối cảnh sự cố, thảm họa và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống;

- Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong giải quyết những vấn xã hội bức xúc tại địa phương như hòa giải gia đình, giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn xã hội và trong công tác xã hội, trợ giúp xã hội tại địa phương;

- Nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng, nam giới, trẻ em trai; thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng nền văn hóa hòa bình, chú trọng nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi quý trọng hòa bình, phê phán và loại bỏ bạo lực, giải quyết các tranh chấp trong xã hội và gia đình trên cơ sở pháp quyền và tôn trọng lẫn nhau; phát huy vai trò của phụ nữ trong giáo dục, kiến tạo văn hóa hòa bình;

- Nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền và trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt trong bối cảnh sự cố, thảm họa, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng, tổ chức, cơ chế trong hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ trước bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt trong bối cảnh sự cố, thảm họa, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Hỗ trợ triển khai hiệu quả các chỉ tiêu về bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030: đến năm 2025 có 70% và năm 2030 có 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 90% phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản;

- Hỗ trợ triển khai hiệu quả các mục tiêu đề ra theo Lộ trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025;

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên và các quy định pháp luật liên quan của Việt Nam.

c) Mục tiêu 3: Tăng cường lồng ghép giới trong hoạt động cứu trợ và phục hồi, bao gồm khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống:

- Xây dựng hướng dẫn về phương pháp đánh giá tác động của hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống có phân tích giới, trong đó có đánh giá tác động đối với phụ nữ và các nhu cầu đặc thù của phụ nữ trong các bối cảnh này để nâng cao hiệu quả hoạt động cứu trợ, phục hồi;

[...]