Nghị quyết 563/NQ-UBTVQH13 tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Số hiệu 563/NQ-UBTVQH13
Ngày ban hành 21/01/2013
Ngày có hiệu lực 21/01/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Bất động sản,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 563/NQ-UBTVQH13

Hà Nội, ngày 21 tháng 1 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI). WEBISTE BỘ TN&MT TRÂN TRỌNG XIN ĐĂNG TOÀN VĂN NGHỊ QUYẾT NÀY.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII;

Theo đề nghị của Chính phủ tại Công văn số 10/CP-PL ngày 11 tháng 01 năm 2013 về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi),

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 14, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật này.

Điều 2. Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức; phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).

Điều 3. Yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân

1. Tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Chính phủ chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận truyền đạt, thảo luận, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

2. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, bổ sung hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

3. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến tham gia của nhân dân.

4. Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân.

Điều 4. Nội dung và hình thức lấy ý kiến nhân dân

1. Lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

2. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đăng Báo Nhân Dân, các trang thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận, nghiên cứu góp ý kiến.

a) Ở trung ương:

- Cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến theo khu vực, từng vùng thông qua các hội nghị lấy ý kiến.

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức thảo luận, lấy ý kiến và xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý về Dự thảo Luật;

- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức thảo luận, lấy ý kiến và xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý về Dự thảo Luật.

b) Ở địa phương:

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức thảo luận, lấy ý kiến, xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý về Dự thảo Luật.

3. Các báo cáo tổng hợp ý kiến; ý kiến của các tổ chức, cá nhân gửi về cơ quan soạn thảo Dự án Luật (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Điều 5. Thời gian lấy ý kiến nhân dân

Thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 01 tháng 02 năm 2013 và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2013.

[...]