Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 55/NQ-HĐND năm 2024 kết quả giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 55/NQ-HĐND
Ngày ban hành 11/07/2024
Ngày có hiệu lực 11/07/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Dương Văn Trang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/NQ-HĐND

Kon Tum, ngày 11 tháng 7 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA XII KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân;

Căn cứ Nghị quyết số 44/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2024; Nghị quyết số 83/NQ-HĐND ngày 10/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thành lập Đoàn giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

Xét Báo cáo số 17/BC-ĐGS ngày 04 tháng 7 năm 2024 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung của Báo cáo số 17/BC-ĐGS ngày 04/7/2024 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum (có báo cáo kèm theo), với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Kết quả đạt được

- Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhờ đó, ý thức và trách nhiệm của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường đã có chuyển biến tích cực.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã ban hành nhiều văn bản để tổ chức triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản dưới luật[1]. Các văn bản được ban hành cơ bản phù hợp với tình hình thực tế của địa phương đã giúp công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh từng bước đi dần vào nề nếp.

- Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; hoạt động kiểm soát các nguồn ô nhiễm môi trường; công tác bảo vệ môi trường trong thực hiện các dự án đầu tư, thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên, khoáng sản, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được quan tâm triển khai thực hiện.

- Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt nhận được sự quan tâm từ các cấp, các ngành và toàn xã hội. Nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải được triển khai[2]; đã cơ bản kiểm soát lưu lượng và chất lượng nước thải từ các khu công nghiệp và các nguồn thải lớn thông qua hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục.

- Công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường có trọng tâm, trọng điểm. Những sai phạm trong công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã được chấn chỉnh.

2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

2.1. Những tồn tại, hạn chế

- Công tác kiểm tra về bảo vệ môi trường theo đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường đã cấp cho các chủ dự án/cơ sở kinh doanh chưa được chủ động và quyết liệt, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chưa quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện công tác đăng ký môi trường trên địa bàn quản lý (trừ huyện Đăk Tô, huyện Ngọc Hồi).

- Việc triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn trên địa bàn các huyện, thành phố còn lúng túng.

- Vẫn còn tình trạng người dân xả rác thải sinh hoạt bừa bãi; còn lạm dụng các loại thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp. Việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đạt tỷ lệ thấp làm tăng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh, gây bức xúc trong nhân dân[3].

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chưa chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các quy định về khu vực không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết số 99/2022/NQ-HĐND ngày 12/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh[4]. Nhiều trang trại chăn nuôi heo chưa bảo đảm thủ tục pháp lý về môi trường[5].

- Ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp, chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường, còn chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường, nhất là các Nhà máy chế biến mủ cao su, tinh bột sắn[6]... xử lý chưa triệt để mùi hôi, nước thải gây ảnh hưởng đến môi trường và người dân xung quanh.

- Công tác bảo vệ môi trường trong thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động xây dựng chưa tốt. Tình trạng đổ thải bừa bãi làm ảnh hưởng đất sản xuất của người dân, đất rừng và đất ven sông, suối dễ gây sạt lở, bồi lắng trong mùa mưa bão vẫn còn xảy ra[7]. Một số dự án đầu tư, xây dựng chưa có hồ sơ pháp lý về môi trường, chưa đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải theo quy định[8].

- Đa số các điểm mỏ khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường chưa được quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu vực tập kết, đường giao thông kết nối,... Tình trạng lấn chiếm, sử dụng bãi bồi lòng sông, suối để tập kết khoáng sản, đổ thải làm thay đổi dòng chảy là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, suối[9]. Một số điểm mỏ khai thác khoáng sản đá, sỏi khu vực khai thác, tập kết đá, sỏi không cắm mốc ranh giới khu vực được cấp phép khai thác, không che chắn dễ phát tán bụi ô nhiễm[10]. Vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền ký quỹ thực hiện dự án cải tạo phục hồi môi trường; chưa thực hiện cải tạo phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác[11].

- Chưa ban hành mới giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh[12] nên gây khó khăn cho việc xây dựng giá dịch vụ để đấu thầu, đặt hàng đối với các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý theo hình thức chôn lập là chủ yếu. Nhiều bãi chôn lấp đã bị quá tải, không hợp vệ sinh, phát sinh ruồi, muỗi, phát tán mùi hôi[13]. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để[14].

- Còn 4 cơ sở y tế chưa đủ hồ sơ môi trường và 104 cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải[15].

[...]