Nghị quyết 95/NQ-HĐND năm 2023 thông qua kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-2022 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Số hiệu 95/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2023
Ngày có hiệu lực 08/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Phạm Hoàng Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 95/NQ-HĐND

Thái Nguyên, ngày 08 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA KẾT QUẢ GIÁM SÁT CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ MƯỜI SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên về Chương trình giám sát năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên;

Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 24 tháng 3 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên thành lập Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên;

Xét Tờ trình số 182/TTr-HĐND ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc đề nghị thông qua kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành Báo cáo kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất đánh giá về kết quả đạt được, những hạn chế cân tập trung chỉ đạo, thực hiện và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể như sau:

1. Kết quả đạt được

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh sự quan tâm, giúp đỡ tích cực của các Bộ, ngành liên quan, giai đoạn 2017 - 2022, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu kiềm chế gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường; môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí dần được cải thiện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện; hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được quan tâm đầu tư; các chỉ tiêu về môi trường đô thị, nông thôn được cải thiện đáng kể; một số điểm ô nhiễm môi trường được quan tâm chỉ đạo xử lý; cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh gắn liền với công tác chuyển đổi số; công tác kiểm tra, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có liên quan đến bảo vệ môi trường được tăng cường về số lượng và chất lượng. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư ngày càng được nâng cao.

2. Tồn tại, hạn chế

2.1. Việc tiếp nhận, thẩm định, giải quyết hồ sơ bảo vệ môi trường tại cấp huyện có lúc chưa đảm bảo yêu cầu về thời gian và chất lượng. Một số cơ quan, địa phương chưa kịp thời rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện hồ sơ bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân các cấp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Còn một số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn các nội dung được giao trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh chưa được ban hành.

2.2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đã có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả chưa cao.

2.3. Mức độ quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường ở một số địa phương còn chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế; công tác phối hợp của một số cơ quan, đơn vị, địa phương cấp huyện có nơi, có lúc chưa kịp thời. Năng lực đội ngũ làm công tác quản lý môi trường ở một số địa phương còn hạn chế. Trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chưa phát huy đầy đủ vai trò giám sát ở cơ sở để kịp thời phát hiện, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

2.4. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về bảo vệ môi trường mặc dù ở cấp tỉnh đã được quan tâm, ở một số đơn vị cấp huyện còn hạn chế, số lượng các cuộc kiểm tra còn ít, chủ yếu giải quyết các vụ việc phát sinh, việc xử lý vi phạm có lúc, có nơi chưa kịp thời; việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện hình thức xử phạt bổ sung buộc khắc phục hành vi vi phạm về môi trường theo quy định chưa được quan tâm.

2.5. Một số hạn chế, tồn tại trong từng lĩnh vực cụ thể:

- Công tác phối hợp kiểm tra, hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chặt chẽ, nhiều nội dung chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ theo quy định. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của một số khu, cụm công nghiệp chưa được hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

- Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ sở, sản xuất kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm còn chưa đầy đủ. Còn tình trạng một số cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường chưa chấp hành nghiêm quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.

- Việc thu gom, xử lý vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ở một số địa phương còn chưa triệt để; việc xử lý các điểm ô nhiễm hóa chất thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu do lịch sử để lại còn gặp nhiều khó khăn do chưa bố trí được nguồn kinh phí.

- Công tác quản lý hiện trạng, quy mô chăn nuôi trang trại của Ủy ban nhân dân một số huyện, thành phố còn hạn chế, chưa kịp thời hướng dẫn thực hiện hồ sơ môi trường khi thay đổi quy mô chăn nuôi. Còn có địa phương chú trọng phát triển hoạt động chăn nuôi nhưng thiếu kiểm soát việc thực hiện quy định bảo vệ môi trường; tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi trang trại khá phổ biến; còn trang trại không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, không đảm bảo hồ sơ, công trình bảo vệ môi trường và xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường nhưng chậm được khắc phục.

- Một số khu đô thị, khu dân cư chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Việc tổ chức thu gom, xử lý nước thải tập trung ở các khu đô thị, khu dân cư hình thành từ trước còn gặp nhiều khó khăn.

- Việc thực hiện các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường của một số mỏ khoáng sản còn chưa đầy đủ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

- Công tác quản lý, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế có lúc chưa kịp thời. Có cơ sở y tế đang hoạt động chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế tập trung và hoàn thiện hồ sơ bảo vệ môi trường theo quy định. Một số cơ sở y tế thiết lập và tổ chức cụm lưu giữ chất thải nguy hại chưa đảm bảo yêu cầu.

- Hầu hết các nghĩa trang, nghĩa địa cũ không có hồ sơ về bảo vệ môi trường, việc xử lý chất thải còn chưa đúng quy định.

- Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật về thu gom, xử lý rác thải ở một số địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, còn sử dụng công nghệ lạc hậu dẫn đến việc xử lý rác thải chưa đảm bảo các yếu tố về môi trường. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, miền núi chưa cao; lượng rác thải nhựa phát sinh còn lớn, chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh. Công tác phân loại chất thải tại nguồn chưa đạt kết quả mong muốn; còn địa phương chưa bố trí điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt.

[...]