HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 54/2013/NQ-HĐND
|
Tiền Giang, ngày 11 tháng 7 năm
2013
|
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN DU
LỊCH TỈNH TIỀN GIANG ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 17/2009/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm
2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -
xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 803/QĐ-BVHTTDL ngày 09 tháng 3 năm 2010
của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch
đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến
năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
Qua xem xét dự thảo Nghị quyết kèm theo Tờ trình số
73/TTr-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị
Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua Quy hoạch phát triển du
lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số
92/BC-HĐND ngày 12 tháng 6 năm 2013 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân
tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua “Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và
tầm nhìn đến năm 2030”, với một số nội dung chính như sau:
I. QUAN ĐIỂM
- Huy động mọi nguồn lực để từng bước đầu tư phát triển du
lịch, thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, tích cực góp phần vào sự tăng
trưởng kinh tế của tỉnh. Huy động nguồn lực dưới nhiều hình thức đầu tư: ngân
sách nhà nước, đầu tư nước ngoài, liên doanh liên kết, cổ phần, tư nhân,
....trong đó ưu tiên thu hút và khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài có
chọn lọc; chú trọng đến nguồn vốn đầu tư trong nước và trong nhân dân, phát huy
tối đa nguồn nội lực để đầu tư vào các dự án lớn nhằm mục đích xây dựng các sản
phẩm mang tính đặc thù riêng biệt; xây dựng hình ảnh du lịch Tiền Giang xứng
đáng là một điểm đến hấp dẫn, đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Phát triển du lịch theo hướng chất lượng, có trọng tâm,
trọng điểm và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch gắn liền
với phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
phục vụ trong lĩnh vực du lịch mang tính chuyên nghiệp cao; xây dựng môi trường
du lịch văn minh, hiện đại, an toàn, gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng và trật
tự an toàn xã hội.
- Phát huy lợi thế về tài nguyên thiên nhiên với 3 vùng sinh
thái: vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái ngập mặn và vùng sinh thái ngập
phèn để phát triển đa dạng hóa các loại hình du lịch.
- Phát triển du lịch kết hợp phát triển các dịch vụ nhằm
phục vụ tốt nhu cầu của khách du lịch, góp phần phát triển khu vực thương mại
dịch vụ và tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch.
- Gắn phát triển du lịch với mục tiêu tạo việc làm, cải
thiện đời sống nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Đến năm 2020, ngành du lịch Tiền Giang cơ bản trở thành
một ngành kinh tế quan trọng, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, có tính
chuyên nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm du lịch và có chất lượng cao. Du lịch góp
phần làm gia tăng tăng trưởng khu vực III và đóng góp vào phát triển kinh tế -
xã hội chung của toàn tỉnh. Phát triển du lịch còn gắn với mục tiêu tạo việc
làm, cải thiện đời sống người dân và góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói
giảm nghèo.
- Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Tiền Giang phát triển mạnh
với sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, mang nét đặc trưng tiêu biểu của
vùng đồng bằng sông Cửu Long.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về lượng khách du lịch
- Đến năm 2020 đạt thấp nhất là 2.183.000 lượt khách, tăng
bình quân cả giai đoạn đến năm 2020 là 8,55%; trong đó có khoảng 965.000 lượt
khách quốc tế và 1.218.000 lượt khách nội địa.
- Đến năm 2030 đạt thấp nhất là 4.743.000 lượt khách, tăng
bình quân cả giai đoạn đến năm 2030 là 8,57%; trong đó có khoảng 1.988.000 lượt
khách quốc tế và 2.755.000 lượt khách nội địa.
b) Về cơ sở lưu trú du lịch
Năm 2020 có ít nhất 290 cơ sở lưu trú với khoảng 7.200 phòng
và đến năm 2030 có ít nhất 670 cơ sở lưu trú với khoảng 18.700 phòng.
c) Về nguồn nhân lực du lịch
- Năm 2020 có ít nhất 34.800 lao động trong lĩnh vực du
lịch, trong đó có khoảng 7.000 lao động trực tiếp.
- Đến năm 2030 có ít nhất 359.000 lao động trong lĩnh vực du
lịch, trong đó có khoảng 14.000 lao động trực tiếp.
d) Về nguồn thu từ du lịch, giá trị GDP du lịch và nhu cầu
đầu tư
- Năm 2020 thu nhập du lịch đạt khoảng 7.300 tỷ đồng, đóng
góp 4,62% GDP của tỉnh; trong đó thu nhập du lịch của các doanh nghiệp trực
tiếp phục vụ du lịch khoảng 970 tỷ đồng.
- Đến năm 2030 thu nhập từ hoạt động du lịch đạt khoảng
24.000 tỷ đồng, đóng góp 4,72% GDP của tỉnh, trong đó thu nhập của các doanh
nghiệp trực tiếp phục vụ du lịch khoảng 5.000 tỷ đồng.
III. CÁC ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CHỦ YẾU
1. Thị trường du lịch
Tập trung khai thác nhóm thị trường khách truyền thống từ
các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước Tây Âu, Bắc Mỹ như
Anh, Pháp, Mỹ. Quan tâm phát triển thị trường các nước Đông Nam Á, các quốc gia
thuộc tiểu vùng sông Mê kông.
Phát huy thị trường khách du lịch nội địa, chủ yếu đến từ
thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ và một số tỉnh ở khu vực miền
Trung.
2. Sản phẩm du lịch
Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái Tiền Giang, mang nét
đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long: chủ yếu là tham quan sông nước, miệt
vườn, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, tham quan nghỉ
dưỡng ở vùng sinh thái cặp theo dòng sông Tiền, vùng biển Gò Công và vùng sinh
thái rừng tràm Đồng Tháp Mười.
Liên kết phát triển sản phẩm vùng, xây dựng sản phẩm phong
phú đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
3. Tổ chức không gian và các tuyến điểm du lịch
Quy hoạch không gian và các tuyến điểm để phát triển du lịch
của tỉnh gồm 3 khu vực như sau:
a) Khu vực 1 (Khu vực trung tâm)
Gồm thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo. Khu
vực 1 với thành phố Mỹ Tho, trong đó cù lao Thới Sơn là trung tâm hạt nhân, tạo
điểm nhấn phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang.
Sản phẩm du lịch tiêu biểu của khu vực trung tâm bao gồm: du
lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tham quan tìm hiểu đời sống sinh hoạt cộng đồng, du
lịch nghiên cứu tìm hiểu di tích lịch sử - văn hóa, du lịch nghiên cứu sản xuất
nông nghiệp, du lịch bằng du thuyền, du lịch sự kiện - hội nghị - hội thảo
(MICE). Sản phẩm đặc trưng của khu vực này là du lịch sinh thái gắn tham quan
nghiên cứu di tích lịch sử - văn hóa.
Tuyến du lịch chủ yếu: hướng tiếp cận đến các điểm du lịch
bằng đường bộ là theo Quốc lộ 1, Quốc lộ 50 và đường cao tốc thành phố Hồ Chí
Minh - Trung Lương; bằng đường thủy theo tuyến sông Tiền, chủ yếu từ Bến tàu
thủy du lịch Mỹ Tho. Điểm nhấn của tuyến du lịch là cù lao Thới Sơn, tạo sức
lan tỏa phát triển mạnh du lịch Tiền Giang, từ đây sẽ nối tuyến với các khu,
điểm du lịch trong tỉnh, liên kết tuyến với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông
Cửu Long và ngay cả tuyến hành trình đến Cam-pu-chia.
b) Khu vực 2 (Khu vực phía Tây)
Gồm huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè và huyện Tân Phước. Điểm
nhấn của khu vực phía Tây là khu vực Chợ nổi Cái Bè, làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp
và khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.
Sản phẩm du lịch tiêu biểu bao gồm: du lịch tham quan sinh
hoạt cộng đồng, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử - văn hóa, lễ
hội tâm linh, tham quan sông nước, miệt vườn. Sản phẩm đặc trưng của khu vực
này là du lịch sinh thái gắn tham quan làng nghề truyền thống và du lịch văn
hóa.
Tuyến du lịch chủ yếu: hướng tiếp cận chủ yếu bằng đường bộ:
theo Quốc lộ 1 và đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ,
bằng đường thủy là theo tuyến sông Tiền và chủ yếu từ Bến tàu thủy du lịch Cái
Bè. Tuyến du lịch liên kết với các điểm du lịch của tỉnh Vĩnh Long và thành phố
Cần Thơ bằng đường bộ và đường thủy.
c) Khu vực 3 (Khu vực phía Đông)
Gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và
huyện Tân Phú Đông. Điểm nhấn của khu vực này là khu du lịch biển Tân Thành và
Cồn Ngang.
Sản phẩm du lịch tiêu biểu bao gồm: du lịch tham quan sinh
hoạt cộng đồng, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng biển, tham quan nghiên cứu lịch
sử - văn hóa, lễ hội, du lịch vui chơi giải trí cuối tuần. Sản phẩm đặc trưng
của khu vực này là du lịch sinh thái biển gắn tham quan nghiên cứu di tích lịch
sử - văn hóa.
Tuyến du lịch chủ yếu: hướng tiếp cận chủ yếu bằng đường bộ
là theo Quốc lộ 50, bằng đường thủy là theo tuyến sông Tiền, cung cấp những sản
phẩm du lịch đặc trưng biển của Tiền Giang. Liên kết tuyến với các điểm du lịch
của huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) và biển Vũng Tàu bằng đường biển.
4. Liên kết tuyến du lịch trong tỉnh với các tuyến ngoài
tỉnh
a) Tuyến du lịch đường sông
- Tuyến du lịch thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang.
- Tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Vĩnh Long
- An Giang và Phnôm Pênh (Cam-pu-chia).
Điểm nhấn của tuyến du lịch này là cù lao Thới Sơn, từ Thới
Sơn sẽ nối tuyến bằng phương tiện thủy đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh và
liên kết tuyến đến với các điểm du lịch của các tỉnh lân cận.
b) Tuyến du lịch liên kết sản phẩm vùng đồng bằng sông Cửu
Long
- Tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang.
- Tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre.
- Tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần
Thơ - An Giang và Kiên Giang.
IV. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÁC KHU, ĐIỂM DU LỊCH CHỦ YẾU
1. Khu du lịch cù lao Thới Sơn
Đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái phù hợp với cảnh
quan sông nước, miệt vườn. Liên kết với nhân dân tạo thành tuyến du lịch sinh
thái khép kín với nhiều sản phẩm phục vụ như: thưởng thức các loại trái cây, đi
đò chèo trên kênh rạch, nghe đờn ca tài tử, khai thác dịch vụ nghỉ đêm trên nhà
bè (neo đậu trên sông cặp cù lao Thới Sơn), nghỉ đêm ở nhà dân (homestay), tái
hiện chợ nổi trên sông, tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa truyền thống người dân
vùng Đồng bằng sông Cửu Long,…
Quy hoạch cù lao Thới Sơn theo hướng phát triển du lịch sinh
thái cộng đồng, tạo hành lang cây xanh, vườn cây ăn trái dọc theo các tuyến
đường trung tâm và đường vành đai chung quanh cù lao. Hạn chế những tác động
lớn đến môi trường du lịch do tiến trình xây dựng đô thị hóa diễn ra trên cù
lao Thới Sơn.
2. Khu du lịch Cái Bè
Quy hoạch Chợ nổi Cái Bè, bổ sung các dịch vụ mua bán hàng
hóa trên sông phục vụ khách du lịch, đảm bảo tính văn minh lịch sự, vệ sinh an
toàn thực phẩm và tạo nét đặc trưng riêng của vùng sông nước Nam Bộ. Nối tuyến
với Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Xẻo Mây và các điểm tham quan vườn cây
trái, các ngôi nhà cổ trong dự án “Hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong
phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam thông qua du lịch di sản” tại xã Đông
Hòa Hiệp huyện Cái Bè, làng nghề bánh tráng, bánh phồng, cốm,… nối tuyến với
các tỉnh lân cận như Cái Mơn (Bến Tre), Bình Hòa Phước, Trường An (Vĩnh Long)
để đa dạng hóa sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch.
3. Khu du lịch biển Tân Thành
Phát triển du lịch biển với các dự án đầu tư cải tạo bãi
biển, trồng cây xanh ven biển, xây dựng các công trình phục vụ vui chơi giải
trí, bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự
án Khu du lịch sinh thái Cồn Ngang, khu du lịch biển Tân Thành gắn với các cánh
rừng phòng hộ, kết hợp tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề
truyền thống ở Gò Công… nối tuyến với biển Cần Giờ và biển Vũng Tàu bằng thuyền
cao tốc để liên kết phát triển du lịch biển đảo.
4. Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười
Phát triển Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười thuộc huyện
Tân Phước, với khu trung tâm 107 ha rừng tràm, đến năm 2015 đạt khoảng 250 ha
và đến năm 2020 sẽ mở rộng rừng tràm xung quanh với quy mô toàn Khu du lịch lên
549 ha nhằm bảo tồn và duy trì môi trường sinh thái cho khu trung tâm, tạo vành
đai an toàn, ngăn ngừa những tác động xấu đối với môi trường làm ảnh hưởng đến
các loài động thực vật trong khu bảo tồn.
Đầu tư phát triển thành khu tham quan, nghỉ dưỡng với nhiều
hạng mục vui chơi, giải trí truyền thống dân gian và chỉ đầu tư ở mức độ vừa
phải, phù hợp cảnh quan thiên nhiên, kết hợp với chùa Trúc Lâm Thiền Viện tạo
sản phẩm mới “du lịch sinh thái - lễ hội tâm linh” góp phần thu hút khách du
lịch đến Tiền Giang.
Ngoài 4 khu du lịch chính như trên, cần đầu tư xây dựng các
dự án du lịch khác dựa trên lợi thế của sông nước, biển đảo Tiền Giang để khai
thác phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch như: cồn Ngang, cù lao Ngũ Hiệp,
cù lao Tân Phong.
V. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CHÍNH
- Nhóm giải pháp về đầu tư và cơ chế chính sách phát triển
du lịch;
- Nhóm giải pháp về tổ chức quản lý nhà nước về du lịch;
- Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực;
- Nhóm giải pháp về xúc tiến quảng bá du lịch;
- Nhóm giải pháp về hợp tác liên kết phát triển du lịch;
- Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch;
- Nhóm giải pháp về đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội;
bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.
VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn vốn đầu tư: huy động mọi nguồn vốn từ các thành
phần kinh tế, vốn Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Cụ thể:
a). Giai đoạn 2011 - 2020: khoảng 9.200 tỷ đồng. Trong đó:
- Giai đoạn 2011 - 2015: khoảng 3.500 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2016 - 2020: khoảng 5.700 tỷ đồng.
b). Giai đoạn 2021 - 2030: khoảng 24.000 tỷ đồng.
2. Cơ cấu vốn đầu tư:
- Vốn ngân sách Nhà nước: khoảng 5% (bao gồm cả nguồn vốn
ODA).
Vốn ngân sách nhà nước chủ yếu cho việc phát triển cơ sở hạ
tầng phục vụ du lịch (như đường giao thông, cầu, hệ thống cấp điện, cấp
nước….).
- Vốn đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân: khoảng
95%.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai và tổ
chức thực hiện Nghị quyết. Định kỳ hằng năm có sơ kết việc tổ chức thực hiện,
báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh theo dõi tại kỳ họp thường kỳ cuối năm.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội
đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện
Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa
VIII, Kỳ họp thứ 8 thông qua và có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông
qua./.