Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 803/QĐ-BVHTTDL năm 2010 phê duyệt Đề án phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 803/QĐ-BVHTTDL
Ngày ban hành 09/03/2010
Ngày có hiệu lực 09/03/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Hoàng Tuấn Anh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 803/QĐ-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ĐẾN NĂM 2020”

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

Quan điểm chủ đạo xuyên suốt đối với phát triển du lịch Vùng đồng bằng sông Cửu Long là nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp thực sự quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vào nỗ lực xóa đói giảm nghèo cho người dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của cả nước, nâng cao vị thế ngành du lịch trên cơ sở khai thác có hiệu quả và bền vững những lợi thế về vị trí, tài nguyên của Vùng.

2. Mục tiêu phát triển

Phát triển du lịch dựa trên thế mạnh của từng khu vực, từng địa bàn trong Vùng, tạo sản phẩm đặc thù, độc đáo, tạo điểm đến đặc trưng khu vực, mở ra khả năng kết nối sản phẩm nội vùng, liên vùng, liên quốc gia, tạo hiệu quả kinh tế cao từ du lịch, góp phần cải thiện bộ mặt đô thị. Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch trong Vùng, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng gắn du lịch với xóa đói giảm nghèo, kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án về du lịch có quy mô và chất lượng quốc tế.

3. Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu

3.1. Về khách du lịch: Năm 2015 đạt 2,7 triệu lượt khách quốc tế và 5,2 triệu lượt khách nội địa. Năm 2020 đạt 3,9 triệu lượt khách quốc tế và 6,5 triệu lượt khách nội địa.

3.2. Về cơ sở lưu trú du lịch: Năm 2015 có tổng số 37.150 buồng khách sạn. Năm 2020 có 50.000 buồng khách sạn.

3.3. Về nguồn nhân lực du lịch: Năm 2015 có 154.700 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 54.100 lao động trực tiếp. Năm 2020 có 236.600 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 82.700 lao động trực tiếp.

3.4. Về thu nhập du lịch, giá trị GDP du lịch và nhu cầu đầu tư: Năm 2015 thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 723,1 triệu USD, giá trị GDP du lịch đạt 491,6 triệu USD. Năm 2020 thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 1.349,5 triệu USD, giá trị GDP du lịch đạt 877,1 triệu USD.

Nhu cầu đầu tư cho du lịch giai đoạn từ nay đến 2015 là 959,6 triệu USD. Nhu cầu đầu tư cho du lịch giai đoạn 2016-2020 là 963,7 triệu USD.

4. Các định hướng phát triển chủ yếu

4.1. Thị trường du lịch

Tập trung khai thác thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia và thị trường Việt kiều. Duy trì các thị trường Đông Bắc Á, Tây Âu, Bắc Mỹ.

Phát huy thị trường khách du lịch nội địa truyền thống của vùng là thị trường thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ. Khai thác thị trường khách từ Hà Nội.

4.2. Sản phẩm du lịch

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của Vùng đồng bằng sông Cửu Long: du lịch tham quan sông nước, miệt vườn kết hợp nghỉ tại nhà dân, du lịch văn hóa tìm hiểu văn hóa các dân tộc trong Vùng, du lịch sinh thái, tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái đa dạng của vùng, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp (tại Phú Quốc, Hà Tiên).

Hình thành và phát huy các sản phẩm liên kết của từng khu vực tạo sức cạnh tranh cao cho các chương trình du lịch tổng hợp.

4.3. Tổ chức không gian du lịch vùng

Nhằm phát huy thế mạnh từng khu vực, xây dựng sản phẩm đặc thù trên cơ sở phân vùng sinh thái, văn hóa, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm liên kết, khai thác lợi thế về cơ sở vật chất của từng địa phương, phân vùng lãnh thổ du lịch đồng bằng sông Cửu Long được chia thành 4 cụm du lịch:

- Cụm trung tâm: gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang với sản phẩm nổi trội của vùng là du lịch tham quan sông nước, du lịch với mục đích thương mại, du lịch lễ hội và du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp.

- Cụm bán đảo Cà Mau: gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng với các sản phẩm du lịch quan trọng là tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer tại Sóc Trăng.

- Cụm duyên hải phía Đông: gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh với các sản phẩm chủ đạo là du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng.

[...]