Nghị quyết 524/2012/UBTVQH13 về chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội

Số hiệu 524/2012/UBTVQH13
Ngày ban hành 20/09/2012
Ngày có hiệu lực 01/01/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 524/2012/UBTVQH13

Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ CHI TIÊU BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 83/2007/QH11; Luật ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11; Nghị quyết số 27/2012/QH13 của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội;

Căn cứ Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội;

Xét Tờ trình của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Chế độ chi tiêu quy định tại Nghị quyết này được áp dụng đối với hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Chế độ chi tiêu cho kỳ họp Quốc hội, hội nghị do Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định.

Điều 2. Nguyên tắc chung

1. Việc chi tiêu phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải có trong dự toán, bảo đảm đúng chế độ, định mức, đối tượng theo quy định tại Nghị quyết này và quy định có liên quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động được phân bổ, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

3. Căn cứ quy định của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước, chế độ chi tiêu được quy định tại Nghị quyết này và căn cứ nhiệm vụ được giao, Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm phân bổ kinh phí hoạt động cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội. Việc phân bổ kinh phí hoạt động cho Đoàn đại biểu Quốc hội có xem xét, ưu tiên đến địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Chi cho công tác thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết

1. Căn cứ phạm vi, tính chất và mức độ phức tạp của dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi chung là dự án luật) và nguồn kinh phí được giao, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội quyết định mức chi cụ thể, bảo đảm không vượt quá mức tối đa và trong phạm vi dự toán được giao.

2. Chi soạn thảo báo cáo thẩm tra; báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật:

a) Đối với cơ quan chủ trì thẩm tra:

- Đối với dự án luật ban hành mới hoặc thay thế: mức chi từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/báo cáo;

- Đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi từ 2.400.000 đồng đến 4.000.000 đồng/báo cáo.

b) Đối với cơ quan phối hợp thẩm tra:

Chi soạn thảo báo cáo tham gia thẩm tra: mức chi bằng 50% mức chi báo cáo thẩm tra quy định tại điểm a khoản này.

3. Chi cho cá nhân tham gia cuộc họp thẩm tra, chỉnh lý, cho ý kiến về báo cáo nội dung cần tập trung thảo luận, dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật do các cơ quan của Quốc hội tổ chức:

[...]