Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 52/2006/NQ-HĐND thống nhất thông qua Đề án phát triển xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh Bạc Liêu

Số hiệu 52/2006/NQ-HĐND
Ngày ban hành 14/12/2006
Ngày có hiệu lực 24/12/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Nguyễn Văn Út
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2006/NQ-HĐND

Bạc Liêu, ngày 14 tháng 12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ THỂ DỤC THỂ THAO GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 TỈNH BẠC LIÊU.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ CHÍN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;

Xét Tờ trình số 91/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2006 của UBND tỉnh về Đề án phát triển xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao giai đoạn 2006 - 2010; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND và ý kiến đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua Đề án phát triển xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh Bạc Liêu sau đây:

I. Quan điểm và định hướng chung:

- Thực hiện xã hội hóa nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội tham gia chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, tạo điều kiện để nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, từng bước thực hiện công bằng xã hội trên lĩnh vực này.

- Tăng cường tuyên truyền chủ trương và chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa và thể dục thể thao, tăng đầu tư từ ngân sách. Đồng thời, phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong toàn xã hội, góp phần cùng với Nhà nước phát triển mạnh các lĩnh vực văn hóa xã hội.

- Khuyến khích các cá nhân, tổ chức, thành phần kinh tế đầu tư thành lập các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề, cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở văn hóa thể thao ngoài công lập. Điều chỉnh lại quy hoạch, dành quỹ đất để các thành phần ngoài công lập đầu tư xây dựng cơ sở. Từng bước chuyển các cơ sở công lập sự nghiệp mang nặng tính hành chính bao cấp sang cơ chế tự chủ, hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ.

- Chính quyền các cấp và các Sở, Ngành liên quan có trách nhiệm xây dựng môi trường phát triển thuận lợi, bình đẳng giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực xã hội.

II. Mục tiêu cụ thể:

1. Về giáo dục - đào tạo:

- Đối với giáo dục mầm non: Phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ trẻ em trong các nhà trẻ ngoài công lập khoảng 60% và tỷ lệ học sinh mẫu giáo ngoài công lập khoảng 50%.

- Đối với giáo dục phổ thông:

+ Tiểu học: Mỗi huyện, thị xã có ít nhất từ 1 - 2 trường tiểu học ngoài công lập.

+ Trung học cơ sở: Toàn tỉnh có ít nhất từ 2 - 3 trường Trung học cơ sở ngoài công lập; chuyển trường Trung học cơ sở bán công thành trường dân lập hoặc tư thục, phấn đấu đến năm 2010 học sinh Trung học cơ sở ngoài công lập chiếm 3,5%.

+ Trung học phổ thông: Chuyển toàn bộ các trường Trung học phổ thông bán công sang loại hình công lập, dân lập hoặc tư thục và hoàn thành vào năm 2010. Khuyến khích phát triển trường Trung học phổ thông dân lập, tư thục ở thị xã và các thị trấn có kinh tế phát triển, phấn đấu đến năm 2010, học sinh Trung học phổ thông ngoài công lập 30%.

- Đối với trường trung học chuyên nghiệp - dạy nghề:

+ Thí điểm chuyển một số cơ sở đào tạo trung học chuyên nghiệp công lập sang loại hình ngoài công lập và số học sinh ngoài công lập chiếm 10% vào năm 2010.

+ Đào tạo nghề: Nhà nước đầu tư trường dạy nghề của tỉnh, củng cố các Trung tâm dạy nghề ở huyện, thị. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mở trường dạy nghề và phấn đấu đến năm 2010 có cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập 20%, góp phần đào tạo nghề 30% lao động của tỉnh.

2. Về y tế:

- Phấn đấu 100% dân số trong tỉnh mua và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

- Đến năm 2010, trên mỗi địa bàn huyện, thị có trên 3 cơ sở y ngoài công lập đủ điều kiện tham gia khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế.

- Từng bước chuyển dần các bệnh viện công lập từ hoạt động theo cơ chế sự nghiệp sang hoạt động theo cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ.

- Từ nay đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh có ít nhất 1 bệnh viện tư nhân; 4 phòng khám đa khoa tư nhân; 1 Trung tâm chẩn đoán y khoa; tiếp tục mở rộng mạng lưới hành nghề y - dược tư nhân, đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh trên địa bàn (phòng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, phòng chẩn trị, trung tâm thừa kế ứng dụng y học cổ truyền, cơ sở thẩm mỹ, bác sỹ gia đình,...); tăng cường quản lý các hoạt động hành nghề y - dược tư nhân để đến năm 2010 các cơ sở hành nghề y - dược tư nhân hoạt động đảm bảo đúng theo pháp luật.

[...]