Nghị quyết số 49/CP về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong những năm 90 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 49/CP
Ngày ban hành 04/08/1993
Ngày có hiệu lực 19/08/1993
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 49/CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 1993

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 49/CP NGÀY 04/08/1993 VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN Ở NƯỚC TA TRONG NHỮNG NĂM 90 

Công nghệ thông tin (CNTT) là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kỹ thuật hiện đại - chủ yếu là kỹ thuật máy tính và viễn thông - nhằm tổ chức, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm tàng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội. CNTT phục vụ trực tiếp cho việc cải tiến quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả của các hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội khác, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. CNTT được phát triển trên nền tảng phát triển của các công nghệ Điện tử - Tin học - Viễn thông và tự động hoá.

Nghị quyết này khái quát tình hình CNTT của nước ta, khẳng định quan điểm, mục tiêu và nội dung phát triển CNTT ở nước ta đến năm 2000 và đề ra các biện pháp lớn để thực hiện chủ trương quan trọng này.

I- TÌNH HÌNH HIỆN NAY VÀ YÊU CẦU PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN Ở NƯỚC TA

1- Sau khi thống nhất đất nước, Hội đồng Chính phủ đã hai lần ra các Nghị quyết (số 173-CP/1975 và số 245-CP/1976) về tăng cường ứng dụng toán học và máy tính diện tử trong quản lý kinh tế, tăng cường quản lý và sử dụng máy tính điện tử trong cả nước. Sau Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam, việc thực hiện chính sách đổi mới kinh tế - xã hội đòi hỏi trong các hoạt động kinh tế xã hội phải có thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời. Việc nhập khẩu tương đối dễ dàng máy vi tính vào nước ta đã tạo điều kiện cho nhiều cơ sở được trang bị các phương tiện CNTT hiện đại. Song sự phát triển đó chủ yếu còn là tự phát, cơ sở kỹ thuật chỉ mới là các máy vi tính làm việc riêng lẻ hoặc trong các mạng cục bộ, hiệu quả sử dụng máy tính trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội còn thấp.

2- Nước ta hiện nay cơ bản vẫn là một nước lạc hậu về thông tin: chưa thiết lập được hệ thống thông tin tin cậy và chưa đáp ứng kịp thời cho quản lý và điều hành của bộ máy Nhà nước từ trung ương tới địa phương; thiếu thông tin từ trong nước cũng như từ nước ngoài cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của xã hội.

3- Mạng lưới bưu chính viễn thông nước ta, ngoài các khả năng truyền điện thoại, điện báo, fax, đã có khả năng truyền số liệu để từ đó có thể tổ chức các mạng thông tin máy tính. Tuy vậy, các mạng nội hạt còn cần được cải thiện nhanh cả về chất lượng lẫn dung lượng để có thể xây dựng mạng truyền số liệu quốc gia và nối ghép với các mạng quốc tế.

4- Hiện nay ở nước ta số cán bộ chuyên môn hoạt động trong lĩnh vực CNTT còn ít, chưa được phân công và phối hợp theo một mục tiêu thống nhất để tạo sức mạnh tổng hợp. Lực lượng cán bộ trẻ chưa được hỗ trợ và khuyến khích một cách tương xứng để phát huy hết năng lực lao động và sáng tạo. Các trường đại học mới chỉ đào tạo được một số ít sinh viên trong các lĩnh vực có liên quan đến CNTT. Trang thiết bị và thông tin phục vụ cho công tác đào tạo còn thiếu thốn. Tuy vậy, do nhu cầu dùng máy tính phát triển, việc phổ cập tin học ở một số thành phố lớn đã được tiến hành khá tích cực trong những năm gần đây.

Nước ta mới chỉ có một số ít cơ sở nghiên cứu và triển khai liên quan đến CNTT nhưng do điều kiện vật chất và thông tin của các cơ sở này còn yếu nên chưa có khả năng nghiên cứu sâu theo phương hướng của CNTT hiện đại. Mấy năm gần đây một số tập thể nghiên cứu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong việc phát triển một số phần mềm ứng dụng và phần mềm công cụ.

5- Ngành công nghiệp CNTT là ngành công nghiệp tạo ra các sản phẩm phần cứng và phần mềm của máy tính, các dịch vụ máy tính, các thiết bị viễn thông và các dịch vụ viễn thông. Mặc dù chúng ta đã xác định ưu tiên cho phát triển công nghệ điện tử, tin học, viễn thông và tự động hoá, nhưng chưa đủ sức để hình thành một ngành công nghiệp CNTT.

6- Nước ta có tiềm năng và điều kiện thuận lợi cho việc phát triển CNTT: Công cuộc đổi mới kinh tế đang được tiến hành mạnh mẽ đặt ra nhu cầu cấp bách cho việc áp dụng CNTT và tạo điều kiện cho việc phát triển CNTT; sự thay đổi nhanh chóng công nghệ trong lĩnh vực này trên thế giới giúp chúng ta có điều kiện tiếp thu và áp dụng ngay những thành tựu mới của công nghệ này; chúng ta lại có tiềm năng nhân lực to lớn là người Việt Nam đang sống ở trong nước cũng như ở nước ngoài có khả năng hoạt động tích cực và sáng tạo trong lĩnh vực CNTT.

Tình hình trên đây đòi hỏi nước ta phải nhanh chóng phát triển CNTT trong mọi lĩnh vực hoạt động nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đẩy mạnh hơn nữa tiến trình đổi mới toàn diện đất nước.

II- QUAN ĐIỂM CHUNG VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN Ở NƯỚC TA

1- Quan điểm chung về phát triển CNTT ở nước ta:

a) Phát triển CNTT chủ yếu dựa trên cơ sở tiếp thu công nghệ từ nước ngoài. Cần tranh thủ nhập những công nghệ mới nhất và hiện đại nhất nhằm rút ngắn các khoảng cách quá lớn về công nghệ giữa nước ta với các nước khác và tránh được những sai lầm của một số nước đã mắc phải trong quá trình phát triển. Để làm chủ những công nghệ mới đó cần đào tạo, phát triển lực lượng lao động lành nghề, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và triển khai trong nước và hợp tác nghiên cứu với nước ngoài.

b) Phát triển CNTT ở nước ta trên cơ sở quan điểm "hệ thống mở". Quan điểm này cho phép các hệ thống và các sản phẩm có khả năng thích nghi và hoạt động theo các yêu cầu mở rộng và tăng trưởng của các hệ thống đó. Cần xây dựng các hệ thống trên cơ sở các chuẩn được lựa chọn phù hợp với xu thế phát triển của CNTT trên thế giới và yêu cầu ứng dụng CNTT trong nước.

c) Phát triển CNTT ở nước ta chủ yếu là nhằm ứng dụng vào các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý, của các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Việc áp dụng CNTT phải tạo ra một sự cải tiến và đổi mới sâu sắc trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và CNTT phải trở thành một đòn bẩy thúc đẩy công cuộc đổi mới của chúng ta.

2- Mục tiêu xây dựng và phát triển CNTT ở nước ta đến năm 2000 là:

Xây dựng những nền móng bước đầu vững chắc cho một kết cấu hạ tầng về thông tin trong xã hội có khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản về thông tin trong quản lý Nhà nước và trong các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời tích cực xây dựng ngành công nghiệp CNTT thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước, góp phần chuẩn bị cho nước ta có vị trí xứng đáng trong khu vực khi bước vào thế kỷ 21.

Đến cuối những năm 90, chúng ta phải thực hiện được những mục tiêu cụ thể sau đây:

a) Xây dựng hệ thống các máy tính và các phương tiện truyền thông được liên kết với nhau trong các mạng với những công cụ phần mềm đủ mạnh và các hệ thông tin và cơ sở dữ liệu có khả năng phục vụ các hoạt động quản lý Nhà nước và các hoạt động huyết mạch của nền kinh tế. Một số hệ thông tin trong nước được ghép nối với các mạng thông tin quốc tế;

b) Phát triển rộng rãi việc ứng dụng CNTT góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hiện đại hoá dần các ngành sản xuất, dịch vụ quan trọng và an ninh quốc phòng. Tăng cường ứng dụng CNTT trong các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò khảo sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác;

c) Phổ cập "văn hoá thông tin" trong xã hội nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc chuẩn bị hướng tới một "xã hội thông tin";

d) Xây dựng cơ sở cho một ngành công nghiệp CNTT, làm ra được các sản phẩm và dịch vụ tin học có giá trị, ưu tiên phát triển công nghiệp "phần mềm", đồng thời tận dụng các khả năng chuyển giao công nghệ để phát triển một cách thích hợp các cơ sở sản xuất linh kiện và thiết bị tin học hiện đại.

III- NỘI DUNG PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ĐẾN NĂM 2000

1- CNTT phục vụ công việc quản lý Nhà nước

Nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời, đáp ứng mọi yêu cầu của bộ máy Nhà nước trong việc ra quyết định và điều hành công việc của Nhà nước, cải tiến việc cung ứng thông tin từ phía Nhà nước cho nền kinh tế xã hội và cho nhân dân, góp phần cải tiến tổ chức của bộ máy Nhà nước và tin học hoá công tác văn phòng - hành chính trong các cơ quan Nhà nước, cần xây dựng và tổ chức thực hiện ngay một số dự án cấp Nhà nước về CNTT sau:

[...]
10
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ