Nghị quyết số 48/2001/QH10 về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ do Quốc Hội ban hành
Số hiệu | 48/2001/QH10 |
Ngày ban hành | 28/11/2001 |
Ngày có hiệu lực | 04/12/2001 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Quốc hội |
Người ký | Nguyễn Văn An |
Lĩnh vực | Thương mại |
QUỐC
HỘI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/2001/QH10 |
Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2001 |
NGHỊ QUYẾT
CỦA QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - HOA KỲ
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Theo đề nghị của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Sau khi xem xét báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Uỷ ban Đối ngoại, ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn "Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại".
QUYẾT NGHỊ:
1. Phê chuẩn "Hiệp định giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại".
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thiết lập và phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trên cơ sở các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, không kèm theo bất cứ điều kiện nào.
Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Mọi hành động đi ngược lại các nguyên tắc nói trên sẽ gây phương hại cho sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai bên, kể cả việc thực thi Hiệp định.
3. Các cơ quan Nhà nước quán triệt cho cán bộ các ngành các cấp và nhân dân ý nghĩa của Hiệp định, thuận lợi và khó khăn, ra sức phát huy nội lực, truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa dân tộc, tận dụng những thuận lợi và thời cơ, khắc phục các khó khăn và thách thức trong quá trình thực hiện Hiệp định nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giữ vững độc lập chủ quyền và định hướng xã hội chủ nghĩa.
4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp khẩn trương xây dựng chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, tiến hành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo lộ trình của Hiệp định, tăng cường hệ thống các cơ quan tư pháp, hoàn thiện cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cần hiểu rõ các quy định của Hiệp định, ra sức mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả của sản xuất và thương mại, sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ. Các tầng lớp nhân dân trong cả nước cùng các doanh nghiệp tăng cường nội lực của nền kinh tế đất nước.
5. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, sẵn sàng phát triển sự hợp tác bình đẳng cùng có lợi với tất cả các quốc gia trên thế giới, vì hòa bình và phát triển.
6. Chính phủ hoàn tất các thủ tục đối ngoại về phê chuẩn Hiệp định; ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức việc thi hành Hiệp định, kịp thời báo cáo để Quốc hội có những quyết định thích hợp khi nảy sinh yếu tố mới trong quá trình thực hiện Hiệp định.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2001.