Nghị quyết số 47-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 47-NQ/TW
Ngày ban hành 22/03/2005
Ngày có hiệu lực 22/03/2005
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký ***
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-----

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
-------

Số: 47-NQ/TW

Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2005

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH

I- TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TRONG THỜI GIAN QUA

Tháng 1 năm 1993, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã ban hành Nghị quyết về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình nhằm giải quyết cơ bản vấn đề dân số, tiến tới ổn định quy mô dân số của nước ta.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết này, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân, chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả quan trọng: nhận thức của toàn xã hội đã có bước chuyển biến rõ rệt, quy mô gia đình có một hoặc hai con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; nhịp độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ trên 3,5 con năm 1992, xuống 2,28 con năm 2002, tỉ lệ tăng dân số giảm tương ứng từ hơn 2% còn 1,32%.

Kết quả của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội, tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao mức sống của nhân dân. Với những thành tựu của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, năm 1999, Việt Nam đã được nhận Giải thưởng Dân số của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, từ sau năm 2000 đến nay, kết quả thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình chững lại và giảm sút. Trong hai năm 2003 và 2004, tỉ lệ phát triển dân số, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên tăng mạnh trở lại. Đặc biệt là tình trạng cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba trở lên tăng nhiều ở hầu hết các địa phương, gây tác động tiêu cực đến phong trào nhân dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Tình hình này đã làm chậm thời gian đạt mức sinh thay thế (trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có hai con).

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do chúng ta chưa nhận thực đầy đủ tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài của công tác này trong bối cảnh kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước, dẫn đến chủ quan, thỏa mãn với những kết quả ban đầu, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiên định trong tổ chức thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân số thiếu ổn định, quá tải; cơ chế quản lý kém hiệu quả; tổ chức, điều hành chương trình lúng túng, chậm đổi mới; việc ban hành Pháp lệnh Dân số và một số chính sách khác thiếu chặt chẽ.

Trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội nước ta chưa phát triển, tình trạng nghèo đói còn nhiều, tài nguyên thiên nhiên hạn hẹp, quy mô dân số hiện nay khá lớn với hơn 82 triệu người, mật độ dân số vào hàng cao nhất thế giới, chất lượng dân số chưa được cải thiện đáng kể v.v... thì việc dân số tăng nhanh trở lại sẽ phá vỡ những thành quả đã đạt được, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội và việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm chậm quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đặt nước ta trước nguy cơ tụt hậu xa hơn.

Vì vậy, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong thời gian tới.

II- TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

A- QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

Tiếp tục quán triệt và kiên quyết thực hiện các quan điểm cơ bản của Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình; phấn đấu sớm đạt được mục tiêu về ổn định quy mô dân số, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.

Toàn Đảng, toàn dân kiên trì thực hiện chủ trương mỗi cặp vợ chồng chỉ có một đến hai con để có điều kiện nuôi dạy tốt.

Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

B- MỤC TIÊU

1- Nhanh chóng đạt mức sinh thay thế (trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có hai con), tiến tới ổn định quy mô dân số nước ta ở mức 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ XXI.

2- Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam về thể chất, trí tuệ, tinh thần, cơ cấu nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

C- NHIỆM VỤ VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền

Các cấp ủy đảng và chính quyền phải nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình của địa phương, đơn vị; có kế hoạch và biện pháp khắc phục những yếu kém, bất cập, kiên quyết ngăn chặn khuynh hướng sinh nhiều con.

Đưa công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình thành một nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp ủy đảng và chính quyền, xem đây là một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của địa phương, đơn vị, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện công tác này theo mục tiêu đã để ra.

Huy động toàn xã hội tham gia công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình. Nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của cáccấp, các ngành, đoàn thể nhân dân, đồng thời huy động các tổ chức xã hội và các thành phần kinh tế tích cực tham gia công tác này. Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho mỗi gia đình, mỗi người dân tự nguyện thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình.

Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện, đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình và quần chúng nhân dân thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, coi đó là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ, xem xét đề bạt, đề cử cán bộ vào các chức vụ lãnh đạo của các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội.

Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình theo Nghị quyêt Hội nghị Trung ương 4 và Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 06-3-1995 của Ban bí thư Trung ương Đảng (khóa VII).

2- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và giáo dục

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lí, tập quán sinh đẻ trong toàn xã hội. Vận động toàn xã hội chấp nhận và thực hiện mỗi cặp vợ chồng chỉ có một đến hai con, coi việc dừng ở hai con là nghĩa vụ của mọi người dân để góp phần giảm bớt gánh nặng về dân số của đất nước. Việc tuyên truyền, vận động phải sâu sát, cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Chú ý vận động những gia đình đã có hai con để họ không sinh con thứ ba.

Mở rộng và nâng cao chất lượng chương trình giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình trong và ngoài nhà trường cho vị thành niên và thanh niên. Vận động, thuyết phục những người cao tuổi nhắc nhở con, cháu thực hiện chính sách sinh đẻ có kế hoạch.

[...]