Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 450/NQ-HĐND năm 2023 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 450/NQ-HĐND
Ngày ban hành 14/12/2023
Ngày có hiệu lực 14/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Trọng Hưng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 450/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 14 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024 TỈNH THANH HÓA

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 17

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024;

Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 17 tháng 7 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tỉnh Thanh Hóa;

Xét Tờ trình số 205/TTr-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê chuẩn Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tỉnh Thanh Hóa; Báo cáo thẩm tra số 867/BC-KTNS ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

1. Kết quả đạt được

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh được thực hiện trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do những yếu tố bất lợi từ tình hình thế giới, khu vực, trong nước và những hạn chế, bất cập nội tại của tỉnh kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục; song, với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả tích cực, nổi bật là: Có 19/25 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch; kinh tế tăng trưởng khá, ước đạt 7,01%, đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước; nông nghiệp tăng trưởng cao và khá toàn diện; nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực duy trì sản xuất ổn định; hoạt động du lịch diễn ra sôi động, sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú hơn, dịch vụ vận tải tăng mạnh so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước vượt 14,1% so. vợi dự toán, đứng thứ 8 trong các tỉnh, thành phố có tổng số thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước. Văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống nhân dân được cải thiện; nhiều hộ gia đình nghèo sinh sống trên sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất được di chuyển đến nơi an toàn, hỗ trợ xây dựng nhà ở, tạo sinh kế mới để ổn định cuộc sống; đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được dư luận và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quan hệ đối ngoại được củng cố, tăng cường và mở rộng.

2. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: Còn 06 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn hạn chế; chưa có nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu mạnh, sản phẩm xuất khẩu, số lượng sản phẩm công nghiệp mới còn ít; khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp truyền thống còn thấp; các ngành dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa có nhiều dịch vụ chất lượng cao. Công tác vận động, thu hút đầu tư chưa đổi mới, hiệu quả thấp; chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, các dự án công nghệ cao, hiện đại...

Tiến độ triển khai nhiều dự án lớn, trọng điểm, các dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch. Hoạt động của doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Tiến độ lập, trình duyệt một số quy hoạch phân khu chức năng; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh còn chậm so với yêu cầu. Việc tiếp cận đất đai còn khó khăn, thiếu các quỹ đất sạch để sẵn sàng thu hút đầu tư; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khai thác sai thiết kế, ngoài vị trí mốc giới chưa được giải quyết triệt để. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có mặt còn chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa có dấu hiệu giảm. Tình hình tôn giáo, an ninh xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; một số vụ việc khiếu kiện phức tạp chậm được giải quyết triệt để; tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ.

Điều 2. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2024

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tập trung phát triển 04 trung tâm kinh tế động lực, 03 trụ cột tăng trưởng, 06 hành lang kinh tế, 08 chương trình trọng tâm, 03 khâu đột phá. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế tương xứng với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả đất đai, tài nguyên; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đảm bảo an toàn xã hội.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

2.1. Về kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3% trở lên; công nghiệp - xây dựng tăng 14% trở lên (công nghiệp tăng 14,9% trở lên; xây dựng tăng 11,7% trở lên); dịch vụ tăng 9,2% trở lên; thuế sản phẩm tăng 13,8% trở lên.

- Cơ cấu các ngành kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 12,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm 49,5%; dịch vụ chiếm 31,1%; thuế sản phẩm chiếm 6,5%.

- GRDP binh quần đầu người đạt 3.540 USD trở lên.

- Sản lượng lương thực giữ ở mức 1,5 triệu tấn.

- Tổng giá trị xuất khẩu đạt 6.000 triệu USD trở lên.

- Tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 135.000 tỷ đồng trở lên.

- Thu ngân sách nhà nước đạt 35.567 tỷ đồng trở lên.

- Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tăng thêm 6.200 ha.

[...]