Nghị quyết 45/NQ-HĐND năm 2023 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 45/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2023
Ngày có hiệu lực 01/01/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Văn Lộc
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/NQ-HĐND

Bình Dương, ngày 08 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Sau khi xem xét Báo cáo số 381/BC-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024; báo cáo của các cơ quan hữu quan; báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2024 nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời quyết nghị:

I. VỀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

Năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế trong nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ làn sóng xung đột chính trị của các quốc gia trên thế giới, dẫn đến sự đứt đoạn nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong khi nhiều doanh nghiệp gia tăng sản xuất cung ứng phục hồi sau đại dịch, nhưng với tinh thần chủ động quyết liệt, kịp thời của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn nên tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh cơ bản duy trì ổn định và đạt nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) có nhiều chuyển biến rõ rệt và tăng trưởng nhẹ qua từng quý, ước cả năm 2023 tăng 5,97% (năm 2022 tăng 8,01%); GRDP bình quân đầu người đạt 172,0 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 66,26% - 23,71% - 2,64% - 7,39%. Mặc dù, tốc độ tăng trưởng ngành không cao nhưng cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển dịch tích cực, theo chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Sản xuất công nghiệp giữ mức tăng trưởng ổn định qua từng quý, các nhóm ngành sản xuất chủ lực duy trì ở mức khá. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã cơ bản nối lại được các chuỗi cung ứng; các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi số, liên kết mở rộng quy mô, đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng trên 5,95% so với năm trước. Hoạt động thương mại và dịch vụ có nhiều biến động do giá nguyên vật liệu đầu vào; người tiêu dùng, giá nhiều loại hàng hoá, dịch vụ vẫn còn đang ở mức cao và tạo áp lực lên năng lực chi tiêu cá nhân; việc cắt giảm chi tiêu của các nước Mỹ, EU ảnh hưởng đến tình hình ký kết đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,8 tỷ đô la Mỹ, giảm 7,3% so với cùng kỳ, thặng dư thương mại đạt trên 8,7 tỷ đô la Mỹ; thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt kế hoạch năm.

Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương theo hướng hài hòa, hợp lý để khai thác lợi thế của sông Sài Gòn, Đồng Nai và dọc các tuyến đường trọng điểm và phương án bố trí, sử dụng các khu đất công để tạo nguồn thu dành cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh; triển khai chỉnh trang, nâng cấp đô thị, khắc phục, chỉnh trang các khu, điểm nhà ở tự phát, xử lý các điểm ngập úng đô thị; tăng cường quản lý trật tự đô thị, thị trường bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai; theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả nguyên vật liệu ngành xây dựng. Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ: Tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm: khu công nghiệp VSIP III, các dự án nhà ở xã hội, cầu Bạch Đằng 2, Vành đai 3; Vành đai 4; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; mở rộng Quốc lộ 13 và một số công trình trọng điểm khác.

Thu ngân sách cơ bản đảm bảo dự toán, đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội; chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Diễn biến lãi suất huy động và lãi suất cho vay có nhiều biến động; các giải pháp kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được triển khai theo quy định; dư nợ tín dụng tiếp tục tăng trưởng, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện tốt chính sách cho các đối tượng trong dịp Tết, các ngày lễ, kỷ niệm. Kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp, người lao động trong tình hình nền kinh tế còn nhiều biến động. Tỉnh đã tổ chức phòng, chống bệnh truyền nhiễm; triển khai mô hình điểm khám chữa bệnh sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử thay thế thẻ bảo hiểm y tế; tiếp tục xử lý, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Hệ thống giáo dục ngoài công lập tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao chất lượng toàn ngành giáo dục của tỉnh; kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông xếp hạng cao so với các tỉnh, thành phố.

Triển khai đề án thành phố thông minh trong giai đoạn mới, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng phát triển. Đẩy mạnh thực hiện mô hình ba nhà và đưa các nền tảng công nghệ, kết nối xã hội trên không gian mạng vào các đề án nhỏ để kích thích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bình Dương là địa phương đầu tiên tại Việt Nam được ICF vinh danh Top 1 cộng đồng thông minh. Tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học trên một số ngành, lĩnh vực.

II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng trên nền tảng năng lực nội sinh, chuyển đổi số, và hợp tác quốc tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ. Tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội, hợp tác công – tư phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị - dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06, thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Dương. Tăng cường quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế.

2. Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024

a) Chỉ tiêu về kinh tế

- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8 - 8,5%;

- Tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp - thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong cơ cấu kinh tế tương ứng đạt 65,95% - 24,35% - 2,51% - 7,19%;

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%;

- GRDP bình quân đầu người khoảng 185,5 triệu đồng/năm;

- Kim ngạch xuất khẩu tăng 9 -10%;

- Kim ngạch nhập khẩu tăng 9-10%;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 71.600 tỷ đồng;

- Tổng chi ngân sách địa phương đạt 33.050 tỷ đồng, trong đó chi cân đối ngân sách địa phương 23.039 tỷ đồng.

[...]