Nghị quyết 42-NQ/TW năm 2004 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước do Bộ Chính trị ban hành

Số hiệu 42-NQ/TW
Ngày ban hành 30/11/2004
Ngày có hiệu lực 30/11/2004
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Bộ Chính trị
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ CHÍNH TRỊ
-----

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
-------

Số: 42-NQ/TW

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2004

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC

I. TÌNH HÌNH CÔNG TÁC QUY HOẠCH CÁN BỘ

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chăm lo đến công tác cán bộ, trong đó coi trọng việc quy hoạch cán bộ, nhằm chủ động tạo nguồn cán bộ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã chỉ rõ: “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”.

Tổng kết thực hiện 3 Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khoá VII và khoá VIII về công tác tổ chức và cán bộ, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) đã đề ra nhiệm vụ: “Tăng cường công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo và quản lý. Đặc biệt quan tâm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ có thành tích xuất sắc, những cán bộ xuất thân công nhân, con em công nông, gia đình có công với cách mạng, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ. Trên cơ sở quy hoạch, đẩy mạnh việc đào tạo, đào tạo lại cán bộ theo chức danh và cán bộ dự nguồn".

Từ sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII), công tác quy hoạch cán bộ đã có bước chuyển biến rõ nét về nhận thức và đạt được những kết quả thiết thực:

- Các tỉnh uỷ, thành uỷ và nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương đã xây dựng quy hoạch cán bộ cấp mình quản lý, đồng thời chỉ đạo cấp dưới tiến hành quy hoạch cán bộ đối với các chức danh đã phân cấp.

- Quy hoạch cán bộ nhìn chung đã được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan và công khai; kết quả quy hoạch cán bộ đã thể hiện phương châm “động” và “mở”, một chức danh đã quy hoạch nhiều người và một người quy hoạch vào nhiều chức danh; có rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đủ tiêu chuẩn, bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới.

- Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận; từng bước thực hiện việc bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự để bầu cử theo quy hoạch, khắc phục dần tình trạng quy hoạch cán bộ mang tính hình thức.

Nhìn chung, công tác quy hoạch cán bộ đã có kết quả bước đầu, có sự kế thừa, đồng thời có bước phát triển, tạo nguồn cán bộ, góp phần khắc phục dần tình trạng bị động, lúng túng trong công tác cán bộ.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch cán bộ cũng còn những thiếu sót, khuyết điểm:

- Còn tình trạng khép kín trong công tác quy hoạch cán bộ; trong luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ chưa có sự gắn kết giữa các cơ quan của Đảng và bộ máy của Nhà nước; chưa có quy hoạch tổng thể cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của toàn hệ thống chính trị.

- Thẩm quyền quyết định quy hoạch cán bộ chưa được quy định rõ; vai trò của các cấp uỷ đảng và các tổ chức, đặc biệt là vai trò quyết định công tác quy hoạch cán bộ của tập thể ban thường vụ cấp uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ chưa được phát huy đầy đủ.

- Việc tổ chức thực hiện chủ trương về quy hoạch cán bộ chưa nghiêm túc; nhiều cấp uỷ, tổ chức và cán bộ lãnh đạo chưa chủ động xây dựng quy hoạch cán bộ, không tích cực chuẩn bị người thay thế; một số ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương chưa xây dựng quy hoạch cán bộ; tính thiết thực, khả thi của quy hoạch cán bộ ở một số địa phương và cơ quan Trung ương còn thấp, chưa gắn quy hoạch cán bộ với đào tạo, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ, chất lượng quy hoạch cán bộ ở các cấp, nhất là cấp cơ sở còn thấp.

- Ở một số ngành, địa phương, đơn vị, công tác quy hoạch cán bộ còn bị động và lúng túng, còn tình trạng hẫng hụt cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ cơ sở, xã, phường, thị trấn; chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; chưa khắc phục cơ bản tình trạng bị động, lúng túng trong lựa chọn nhân sự, nhất là vào các dịp bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân và đại hội đảng các cấp; quy hoạch cán bộ cấp xã là khâu yếu nhất.

- Thời gian vừa qua các địa phương, các bộ, ban, ngành mới tập trung vào công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; chưa chú ý đúng mức đến quy hoạch cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý sản xuất, kinh doanh giỏi, chưa chủ động chuẩn bị đội ngũ các chuyên gia giỏi, các cán bộ khoa học đầu ngành.

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là do cấp uỷ, người đứng đầu nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ, thậm chí còn nhầm lẫn giữa công tác quy hoạch cán bộ với công tác nhân sự, nên lúng túng về cách làm; quyết tâm của cấp uỷ và người đứng đầu chưa cao, sự chỉ đạo và thực hiện chưa tập trung và thành nếp thường xuyên; hướng dẫn của cấp trên về nội dung, phương pháp, quy trình làm quy hoạch chưa đồng bộ.

Việc ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khoá VIII) và Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khoá IX), đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng trong công tác quy hoạch cán bộ, tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao trong chỉ đạo thực hiện, với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ trước mắt và lâu dài đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, khắc phục tình trạng bị động, hẫng hụt trong công tác cán bộ.

II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG CHÂM CỦA CÔNG TÁC QUY HOẠCH CÁN BỘ

1. Mục đích

Mục đích của công tác quy hoạch cán bộ là:

- Tạo sự chủ động, có tầm nhìn chiến lược trong công tác cán bộ; khắc phục tình trạng hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, giữ vững đoàn kết nội bộ và sự ổn định chính trị.

- Chuẩn bị từ xa và tạo nguồn cán bộ dồi dào làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm nhận các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ và năng lực, nhất là năng lực trí tuệ và thực tiễn tốt, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2. Quan điểm

Công tác quy hoạch cán bộ phải xuất phát từ những quan điểm cơ bản của Đảng ta về công tác cán bộ:

- Lấy việc phục vụ nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, phải thông qua thực tiễn của sự nghiệp đổi mới, phong trào thi đua yêu nước của quần chúng nhân dân để phát hiện những người có phẩm chất và năng lực, nhất là năng lực chỉ đạo thực tiễn tốt, làm việc năng động, sáng tạo, có hiệu quả, cũng như các nhân tố mới có nhiều triển vọng phát triển để đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý.

- Có quan điểm giai cấp công nhân trong công tác quy hoạch cán bộ: chú ý phát hiện, bồi dưỡng cán bộ trưởng thành từ thực tế công nghiệp hoá, hiện đại hoá; chủ động và sớm phát hiện cán bộ có triển vọng, các tài năng trẻ nhằm sớm đưa vào quy hoạch dự nguồn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; quan tâm tạo nguồn để tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, xuất thân từ công nhân, nông dân, con em các gia đình có công với cách mạng, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, không phân biệt đảng viên hay quần chúng ngoài Đảng.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ